Biên giới biển đảo quê hương: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền trên các đảo tiền tiêu

Hệ thống đảo và quần đảo của nước ta có vị trí, vai trò hết sức quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế biển với các ngành: vận tải biển, đóng tàu, ngư nghiệp và nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản, du lịch, thể thao, nghỉ dưỡng. Đây là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam phát triển trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.

Bên cạnh đó, biển, đảo nước ta còn là không gian chiến lược đặc biệt quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, hình thành tuyến phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, từ xa đến gần, tạo những điểm tựa, pháo đài, trạm gác tiền tiêu, đồng thời là lá chắn vững chắc từ hướng biển, tạo thế liên hoàn biển - đảo - bờ trong thế trận phòng thủ. Vì vậy, nhiều năm qua Đảng và nhà nước ta luôn kiên định chủ trương, đường lối phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao đời sống nhân dân, tạo ra thế và lực trong bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc – trong đó đặc biệt chú trọng tới hệ thống  đảo tiền  tiêu  có  vị  trí quan  trọng  trong  sự  nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, như các đảo, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quý, Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cô Tô, Bạch Long Vỹ ...

Xuất phát từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, khẳng định: "Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” và “ưu tiên đầu tư ngân sách Nhà nước cho phát triển các huyện đảo, xã đảo tiền tiêu, xa bờ”. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam