Bình Thuận: Rừng cũng quý, nước cũng quý nhưng không để dân khổ vì thiếu nước

Chiều 7/9, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức họp báo đột xuất thông tin về dự án hồ chứa nước Ka Pét và việc chuyển đổi 600 ha rừng phục vụ cho dự án thủy lợi. Đây là vấn đề đang được dư luận quan tâm và có nhiều thông tin trái chiều.

Tại cuộc họp báo, các cơ quan báo chí đã đặt ra nhiều câu hỏi mà dư luận quan tâm nhất là việc vì sao phải chọn vị trí 600 ha rừng để làm dự án hồ thủy lợi Ka Pét mà không làm nhiều hồ nhỏ hoặc chọn vị trí khác hay giảm trữ lượng tích nước để giảm ảnh hưởng đến rừng? Về vấn đề này đơn vị tư vấn cho biết theo quy hoạch thủy lợi có 2 phương án về vị trí làm hồ tuy nhiên khi xem xét, tính toán thì quyết định chọn vị trí nằm tại 600ha rừng nhằm giảm ngập khu sản xuất và con đường độc đạo vào xã Mỹ Thạnh.

Về diện tích 600 ha rừng, đại diện Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết đây là rừng thứ sinh, trong đó có 137 ha rừng đặc dụng với tổng trữ lượng gỗ là 97.500 m3, cây quý hiếm không còn nhiều. Việc khai thác sẽ được giám sát chặt chẽ.

Riêng câu hỏi liệu việc hy sinh hơn 600ha rừng để phục vụ nước cho 120.000 dân có xứng đáng không? Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho rằng rừng quý, nước cũng quý, nhưng điều tiên quyết ở vùng hạn là phải đảm bảo đủ nước cho dân.

Trong buổi họp báo, tỉnh Bình Thuận cũng đã thông tin chi tiết về dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Đây là Dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội chấp nhận chủ trương đầu tư lần đầu năm 2019 tại Nghị quyết 93. Năm 2023, Quốc hội phê duyệt điều chỉnh tại Nghị quyết 101. Dự án có dung tích 51 triệu m3   với tổng mức đầu tư hơn 870 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đến hến năm 2025. Khi Dự án hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.700 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; và cấp nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người dân khu vực vùng hạn. Để thực hiện dự án, tỉnh Bình Thuận sẽ trồng 1.800 ha rừng thay thế. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!