Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trăn trở với việc giữ gìn văn hoá nông thôn

Trong bài phát biểu tham luận tại Hội thảo văn hoá 2022 với chủ đề Thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hoá, được tổ chức vào sáng 17/12 tại Trung tâm Văn hoá Kinh bắc, Bắc Ninh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan đã góp một góc nhìn mới về việc giữ gìn văn hoá nông thôn.

Lấy dẫn chứng về chương trình Làng mới

Saemaul Undong - chương trình

giúp tạo sức bật cho đô thị và đất nước Hàn Quốc, được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá thế giới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định văn hoá là "sức mạnh mềm", "nguồn lực mềm", thúc giục sự thay đổi của 1 địa phương, 1 đất nước.

Qua hơn 10 năm thực hiện, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới - vốn có nguyên mẫu từ Chương trình Làng mới của Hàn Quốc - đạt được thành tựu “to lớn, toàn diện và có tính lịch sử”. Bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, tiện ích xã hội được nâng lên, thu nhập người dân cải thiện dần. Người dân nông thôn "hớn hở đón chào" ngày khánh thành những công trình mới, háo hức trước quang cảnh mới, hoà vào nhịp sống mới. Nhưng hình ảnh nông thôn mới dường như khiến bản sắc nông thôn "phai nhạt". "Nhìn nơi này nơi kia, thấy hình như còn thiếu điều gì đó đã ăn sâu vào tâm thức, vào nếp nghĩ, đã nuôi dưỡng tâm hồn, hình thành nhân cách người làng quê. Bên cạnh những xã nông thôn mới tạo dựng được “cốt” mới, nhưng vẫn giữ được “hồn” cũ; nhiều nơi được hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn vì những khối bê tông “đồng phục hoá”. Nhiều công trình hoành tráng lạc lõng với khung cảnh làng quê. Những hàng cây xanh mát vệ đường, luỹ tre làng ngày nào, bị thay thế một cách khiên cưỡng, làm mất đi hình ảnh nông thôn sinh thái" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hoá. Văn hoá bao gồm vật thể và phi vật thể. Cây đa, bến nước, sân đình vừa có giá trị hữu hình, vừa có giá trị vô hình. Văn hoá vật thể như kiến trúc nhà ở dân gian, trang phục dân tộc, đền chùa, miếu mạo; văn hoá phi vật thể như tín ngưỡng dân gian, âm nhạc truyền thống,… Tất cả đều tạo ra cảm xúc cho người làng. Người làng là chủ thể tạo lập làng, hình thành văn hoá làng, phát triển kinh tế làng. Người làng kết nối lại thành cộng đồng dân cư làng, xã hội làng. “Lệ làng”, những quy tắc ứng xử, không phải để vượt lên “Phép nước”, mà giúp cho pháp luật được tiếp nhận một cách tự nguyện. Về mặt nào đó, “lệ làng” cũng là không gian văn hoá đặc sắc ở nông thôn Việt Nam.

Mời quý vị và các bạn tiếp tục theo dõi toàn bộ nội dung bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan!

(*) Tham khảo thêm thông tin về hội thảo, mời các bạn truy cập tại đây: https://bit.ly/3HGk4nu