Các nước hành động khẩn cấp chống lạm phát

Xung đột ở Ukraine đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao kỷ lục đã làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, nhiều nước trên thế giới đã có những hành động khẩn cấp hỗ trợ người dân.

ĐỨC

Trước những áp lực to lớn do lạm phát, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã triệu tập cuộc họp đặc biệt với các cố vấn kinh tế, công đoàn và đại diện người lao động để tìm giải pháp. Văn phòng thống kê liên bang cho biết, giá tiêu dùng trong tháng 6 đã tăng 8,2% mức thường niên, thấp hơn mức tăng 8,7% của tháng 5. Giá năng lượng trong tháng 6 đã cao hơn 38% so với cùng kỳ năm trước đó do cuộc xung đột ở Ukraine và tình trạng tắc nghẽn nguồn cung đang diễn ra. 

Trong một nỗ lực để chống lại giá năng lượng tăng cao, chính phủ Đức đã cắt giảm thuế nhiên liệu và đưa ra một loại vé cho phép người dân đi lại khắp đất nước trên các chuyến tàu trong khu vực với giá 9 euro một tháng.

HÀN QUỐC

Lạm phát tháng 6 của Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, làm gia tăng dự đoán về một đợt tăng lãi suất lớn của ngân hàng trung ương. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 6 đã tăng 6,0% so với một năm trước đó, nhanh nhất kể từ tháng 11 năm 1998 và vượt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương trong tháng thứ 15 liên tiếp. Hàn Quốc dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài do phụ thuộc nhiều vào ngoại thương và dòng vốn xuyên biên giới. 

Ông EO WOON-SUN, Quan chức cấp cao của Cơ quan thống kê Hàn Quốc: “Các yếu tố bên ngoài, như chí phí năng lượng, nguyên liệu thô và ngũ cốc tăng cao, cũng như sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là nguyên nhân khiến lạm phát tăng nhanh. Hiện Chính phủ đang cố gắng đối phó với các tác nhân bên ngoài để kiểm soát lạm phát”.

Hàn Quốc đã phải chịu áp lực với dòng vốn chảy ra từ thị trường chứng khoán trong nước và việc đồng won giảm giá.

Ả-RẬP XÊ-ÚT VÀ UAE

Hai nền kinh tế lớn nhất vùng Vịnh là Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất UAE sẽ dành khoảng 13 tỉ USD để hỗ trợ các công dân có thu nhập thấp và tích trữ các mặt hàng quan trọng trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng vọt. UAE sẽ tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho những người dân nghèo nhất của mình lên 28 tỉ dirhams (7,63 tỉ USD). Chi phí sinh hoạt đã tăng ở quốc gia vùng Vịnh, nhà sản xuất lớn thứ ba của OPEC, với giá nhiên liệu tăng khoảng 80% kể từ đầu năm. 

Trong khi đó, nước láng giềng A rập Xê-út sẽ cung cấp 20 tỷ riyals (tương đương 5,3 tỉ USD) để hỗ trợ người dân. Khoảng 10,4 tỉ riyals sẽ được phân phối dưới dạng chuyển tiền trực tiếp để hỗ trợ các đối tượng an sinh xã hội, trong khi phần còn lại sẽ dành cho việc tích trữ các mặt hàng chiến lược.

Vân Hương