Cảnh báo thủ đoạn mới lừa đảo chiếm đoạt tiền qua điện thoại

Giả danh các nhà mạng, hay giả danh các cơ quan nhà nước như công an, viện kiểm sát, tòa án đe dọa nạn nhân liên quan đến một vụ án hình sự… để đánh cắp thông tin cả nhân, đánh cắp mã OTP để chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Bộ Công an đã ghi nhận hàng nghìn trường hợp là nạn nhân của các chiêu trò trên và chỉ đạo công an các cấp vào cuộc điều tra, truy bắt.

Gửi một vài tin nhắn theo cú pháp, người phụ nữ này đã mất hơn 300 triệu đồng vì kịch bản của nhóm đối tượng lừa đảo qua điện thoại.

Một dạng khác là giả danh cơ quan nhà nước như y tế, công an, viện kiểm sát.. để đe dọa nạn nhân liên quan đến vụ án ma túy. Nhóm lừa đảo đã chiếm đoạt số tiền gần 6 tỷ đồng của người phụ nữ này.

Theo các chuyên gia công nghệ, nhóm lừa đảo thường xây dựng kịch bản để nạn nhân kích hoạt vào các đường link của các website chứa mã độc, hoặc yêu cầu nạn nhân thực hiện các tin nhắn theo cú pháp mà các đối tượng đưa ra, rồi chiếm quyền kiểm soát sim điện thoại của nạn nhân. Đánh cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, kích hoạt các dịch vụ internet Banking, Smart Banking lấy mã OTP và chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng, ví điện tử của người dùng.

Số liệu từ cơ quan giám sát an ninh mạng cho biết, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 5,4 triệu tên miền độc hại và các web lừa đảo đang tìm cách xâm nhập vào không gian mạng để lừa đảo, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm gia tăng nhiều nhất vẫn là các chiêu trò giả danh ngân hàng điện tử, ví điện tử, bán hàng online và các dịch vụ mạng xã hội…

Duy Hoàn