Cây cổ thụ - di sản quý giá với cộng đồng bản địa

Trong khi nhiều vụ việc chặt phá rừng trái pháp luật, tàn phá thiên nhiên báo động bị lên án trong thời gian qua, thì ở đâu đó trên mảnh đất hình chữ S, tình yêu với cây cối, đặc biệt là các cây cổ thụ vẫn được nhiều người dân địa phương thể hiện trọn vẹn. Họ yêu cây, trân trọng cây và bảo vệ cây bằng tấm lòng và trách nhiệm của từng cá nhân và của cả tập thể.

Chiếc cổng chào này được dựng lên vào đầu tháng 5 vừa qua, khi thôn Cữ, xã Lê Thiện, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng đón nhận danh hiệu Cây di sản cho cây Đa 500 năm tuổi trước cửa chùa Thiện Linh. Chia sẻ về kỉ niệm trong ngày lễ đặc biệt đó, ông Nguyễn Mạnh Cường – Trưởng ban Công tác mặt trận của thôn không khỏi xúc động, bởi lâu lắm rồi, làng Cữ mới có một buổi lễ long trọng, hoành tráng đến vậy.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Cữ, xã Lê Thiện, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng: ”Ở địa phương tôi thì mỗi một năm đều có một cái lễ hội vì có một di tích lịch sử văn hóa. Nhưng mà thực ra thì năm nào cũng tổ chức, thế nhưng cũng không rầm rộ và trang nghiêm như là hôm mùng 8/5 đón nhận Cây di sản. Ngày đó là ngày hội của địa phương, mà có lẽ xác định rằng đây là dịp có 1 không 2, thế nên bà con từ cán bộ đảng viên đến nhân dân rất là phấn khởi.”

Còn đây là lễ vinh danh cây di sản được tổ chức long trọng tại thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Trong buổi lễ này, người dân thôn Thượng Phúc vinh dự đón nhận tới 2 Cây di sản là cây Muỗm 200 tuổi trồng trước cửa chùa Phúc Khê và cây Trôi trên 500 tuổi nằm trong khuôn viên Chùa Phúc Khê – Miếu Minh Từ. Sự có mặt của đông đảo các cụ cao niên ngay từ sớm – những người có tiếng nói, có địa vị trong làng đã minh chứng, người dân nơi đây coi trọng buổi lễ vinh danh này như thế nào.

Ông NGUYỄN TIẾN QUÝ, Chi hội phó Chi hội người cao tuổi thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội: “Rất là vinh dự đối với các cụ ở các thế hệ trước đã trồng lên cây này và các thế hệ tiếp nối từ bao nhiêu đời nay đã gìn giữ và chăm bón. Cái cây này nó cũng là biểu tượng, như một sự tình cảm đối với nhân và đối với lịch sử của ngôi miếu thờ thánh Hoàng làng. ”

Ông NGUYỄN NGỌC DOANH, Thôn Thượng Phúc, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội: Từ thuở còn thơ tôi đã được biết và đến bây giờ tôi đã 83 tuổi về đây chúng tôi rất là vui sướng. Dân làng chúng tôi rất là tự hào vì đã giữ được những cây cổ thụ như thế này”. 

"Cây di sản” là danh hiệu do Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng từ năm 2010, trải qua 12 năm thực hiện, đến nay đã có hơn 6000 cây di sản được vinh danh. Đáng nói, đây là danh hiệu do một tổ chức Hội đề xuất, nhưng lại có tác động rất lớn tới cộng đồng. Minh chứng rõ ràng nhất là những lễ vinh danh "Cây di sản" trên khắp mọi miền đều được người dân địa phương tổ chức trong không khí long trọng và phấn khởi. Bởi với họ, sự hiện diện của những cây cổ thụ hàng trăm năm hay hàng nghìn năm chính là những di sản quí giá mà người dân địa phương đã phải bỏ công, bỏ sức chăm sóc qua nhiều thế hệ. Nhờ vậy, cây vẫn giữ được được hệ thống thân cành ngày càng đồ sộ, hệ thống lá chồi ngày càng xanh biếc và tỏa bóng mát cho những thế hệ mai sau.

Như Huỳnh