Chủ tịch Quốc hội: Một tỉ mà cần thiết, chi ngay nhưng một đồng mà không cần thiết, không chi

Tiết kiệm, chống lãng phí không đơn thuần là cắt xén chi tiêu, mà phải kiến tạo thể chế, kiến tạo sự phát triển, và tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn. Đây là nội dung được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tại phiên giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với Bộ Tài chính diễn ra vào sáng 23/8.

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, rà soát, chỉ rõ những bất cập nào đang gây ách tắc cả về nhân lực, vật lực và tài lực để tập trung tháo gỡ.

Ghi nhận sự gương mẫu của Bộ Tài chính trong việc thực hiện nghiêm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi quản lý, song nhiều ý kiến thành viên đoàn giám sát cũng lưu ý vấn đề sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn đã “lỗi thời”, hạn chế việc cán bộ, công chức tìm cách vận dụng chi tiêu, dẫn đến vi phạm, làm sai quy định, gây thất thoát, lãng phí nhiều hơn.

Ông LÊ MINH NAM, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách: “Khi giám sát trực tiếp thì các đơn vị kêu là định mức rất thấp, không sát thực tiễn, nhưng kêu xong rồi vẫn cứ thực hiện, vẫn hoàn thành, thì tôi nghĩ rằng có thể họ cái khó ló cái khôn và tìm cách vượt qua được, tuy nhiên nếu mà cứ vượt qua được bằng cách vận hành như vậy thì sẽ tạo một thói quen, nếp văn hoá tiêu cực trong quản lý ngân sách”.

Một số ý kiến cũng đề nghị Bộ Tài chính cần rà soát, bổ sung danh mục các văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thành, chậm tiến độ, còn bất cập; trong đó, làm rõ số văn bản được giao chủ trì xây dựng hoặc ban hành theo thẩm quyền nhưng đến nay chưa ban hành hoặc chậm so với tiến độ yêu cầu; lộ trình, kế hoạch ban hành các văn bản này trong thời gian tới.

Ông VŨ HUY KHÁNH, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội: “Chắc là không bộ nào khác ngoài Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cần phải ngồi với nhau để tổng thể lại các văn bản, các quy định còn bất cập hiện nay mà các Bộ, ngành khác, và các địa phương đang phản ánh kiến nghị và có phần trông chờ vào quan điểm của Bộ Tài chính trong việc sửa đổi như thế nào? Đặc biệt là các quy định đến tiêu chuẩn, chế độ, định mức”.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tiết kiệm, chống lãng phí không phải đơn thuần như “cây kéo” để cắt xén chi tiêu, mà phải kịp thời tháo gỡ khó khăn, kiến tạo thể chế, kiến tạo sự phát triển, tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chúng ta phải nhận thức rằng, tiết kiệm tài chính không chỉ đơn thuần như cái kéo cắt xén chi tiêu. Đúng như tinh thần của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là mỗi một công việc đã được giao mà tiêu tốn chi phí ít hơn, đó là một cái tiết kiệm. Cái thứ hai là với một kinh phí, nguồn lực nhất định mà tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn,  đó cũng là tiết kiệm. Với tinh thần như thế thì, ngành tài chính trước giờ quan điểm rằng nếu một tỉ mà cần thiết thì cũng chi ngay nhưng một đồng mà không cần thiết cũng không chi”.

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát. Đối với Bộ Tài chính, đề nghị tiếp tục đề xuất cụ thể với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; trực tiếp chỉ đạo giải quyết những vấn đề đã rõ, thuộc thẩm quyền để tạo chuyển biến ngay trong quá trình giám sát. 

Thanh Nga