Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Không để xảy ra tình trạng "tham nhũng chính sách"

Vào cuối giờ chiều 06/9, Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV đã bế mạc, hoàn thành chương trình đề ra.Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, khối lượng công việc của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan từ nay đến hết nhiệm kỳ đều rất lớn và còn có thể phát sinh nhiều vấn đề mới cần xử lý.

Trong bối cảnh như vậy, việc triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội khóa XV, nhất là luật, nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 5 đòi hỏi nỗ lực cao hơn, quyết tâm lớn hơn và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan, tổ chức nhằm đưa các quyết sách của Quốc hội vào cuộc sống, đóng góp thiết thực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ công tác triển khai thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH còn không ít tồn tại, hạn chế. Trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có 6 luật sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 và 01/7/2024, nhưng vẫn chưa có kế hoạch triển khai. Vẫn còn 11/50 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4 chưa được ban hành.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, những hạn chế này, trước hết là do người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Thực tế cho thấy, đến nay mới chỉ có 8/28 Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, còn lại đều do Thứ trưởng phụ trách.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội qua giám sát để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục xác định thi hành pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cả ở Trung ương và địa phương; bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu hoàn thiện cơ sở pháp lý về xử lý trách nhiệm và xử lý nghiêm, kịp thời tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Cùng với đó tiếp tục chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng với sự đồng hành rất trách nhiệm, chủ động, hiệu quả và giám sát chặt chẽ của Quốc hội, cùng với năng lực và quyết tâm tổ chức thi hành pháp luật một cách nghiêm túc, sáng tạo của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, như được thể hiện rõ nét qua thành công của Hội nghị hôm nay, sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện “quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, sự kỳ vọng và tin tưởng của các vị ĐBQH, cử tri và Nhân dân.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam