Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc tại Phú Thọ: Đồng hành cùng Phú Thọ trên con đường phát triển

Chiều 12/7, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác của Trung ương đã có cuộc làm việc với Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần  Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Về phía tỉnh Phú Thọ có Bí thư tỉnh ủy Bùi Minh Châu, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Thọ. 

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác Trụng ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ  Bùi Văn Quang cho biết: Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của Phú Thọ đạt 6,28%, 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 7,8%, thu hút đầu tư FDI đạt 226 triệu USD. Lĩnh vực công nghiệp đà phục hồi và phát triển nhanh, Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng 3,14% trong 6 tháng đầu năm 2022. Chương trình xây dựng nông thôn mới được chú trọng, bình quân toàn tỉnh đạt 16 tiêu chí/xã.  Thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hội và phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh Phú Thọ đã tập trung giải ngân hỗ trợ chính sách 983 tỷ đồng; quyết định chủ trương hỗ trợ xây dựng các trung tâm y tế huyện 282 tỷ đồng. Tỉnh cũng lựa chọn, hoàn thiện các thủ tục đầu tư của 17 dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025, số vốn đề nghị bố trí bổ sung kế hoạch năm 2022 là 1.690 tỷ đồng. Trong quá quá trình tổ chức triển khai thực hiện, tỉnh Phú Thọ đề nghị Quốc hội, Chính phủ phân cấp, giao HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng. Đề nghị quan tâm, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai dự án trung tâm logistics tại thị xã Phú Thọ; sớm xem xét danh mục hỗ trợ để tỉnh Phú Thọ triển khai theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Tại cuộc làm việc, các thành viên đoàn công tác đều đánh giá Phú Thọ đã có bước phát triển ổn định, bền vững và còn nhiều dư địa để phát triển. Theo các đại biểu, cơ cấu kinh tế phát triển của tỉnh theo chiều hướng tốt, nhưng tỷ trọng nông nghiệp vẫn còn rất cao, đề nghị quan tâm tăng tỷ trọng công nghiệp. Công nghiệp hoá và đô thị hoá phải hài hoà, chú ý vấn đề tái định cư, nhất là khi Chính phủ đã cho phép xây dựng các khu tái định cư, các thiết chế nhà ở công nhân trong khu công nghiệp. Về giải ngân các nguồn vốn, lãnh đạo các Bộ cho biết với các dự án đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sẽ triển khai sớm nhằm phát huy hiệu quả cao nhất của nguồn vốn từ Chương trình phục hồi kinh tế, xã hội. Các thành viên đoàn công tác cũng ủng hộ xây dựng thị xã Phú Thọ thành trung tâm đầu mối logistic của vùng, thúc đẩy phát triển Việt Trì trở thành thành phố Lễ hội của cả nước, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.. Đồng thời cho biết sẽ đồng hành cùng tỉnh Phú Thọ để giải quyết những vướng mắc trong triển khai.

Phát biểu tại cuộc làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương những kết quả mà  tỉnh Phú Thọ đã đạt được trong thời gian qua, đã phát huy cao lợi thế văn hóa, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm đổi mới và khát vọng phát triển. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Phú Thọ đã thực hiện giải ngân đầu tư công đúng tiến độ, thuộc nhóm 20 tỉnh thành phố giải ngân cao; thu ngân sách đạt cao. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng; phát triển đô thị còn chậm, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết hạn chế; thu hút đầu tư và nông nghiệp, nông dân, nông thôn chưa nhiều.

Để phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển của Vùng trung du và miền núi phía Bắc, Chủ tich Quốc hội cho rằng Phú Thọ cần chú trọng tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Trung ương về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Cơ chế điều phối vùng như thế nào? Chúng ta không có thiết chế hành chính vùng nên có những điểm khó. Do đó, Trung ương và Tổng Bí thư rất quan tâm đến vùng. Chưa bao giờ tổ chức được hội nghị trực tuyến toàn quốc về vùng như lần này. Đây là những điểm mới phải khai thác. Các chuyên gia của tỉnh tính thêm về liên kết vùng, cần tính đền hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, kết nối các thế mạnh, ví dụ như du lịch, kéo cơ chế vùng, phấn đấu văn phòng điều phối vùng. Cố gắng thể hiện những nội dung này trong quy hoạch, vị thế Phú Thọ hiện thức hóa trong quy hoạch."

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Phú Thọ tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhất là Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung chuyển đổi, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, an toàn, hiệu quả; Phát triển thương mại, dịch vụ gắn với phát huy lợi thế về vị trí địa kinh tế như dịch vụ vận tải, Logistic và du lịch. Đặc biệt, Phú Thọ cần bảo tồn và phát huy mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa Hùng Vương, lấy văn hóa là nền tảng để phát triển.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chú ý nền tảng phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa, nghiên cứu thêm phát huy thêm giá trị Đền Hùng vì gái trị văn hóa, tập trung phát triển phát triển TP Việt Trì thành thành phố Lễ hội, cụ thể hóa trong quy hoạch, xây dựng thành đề án, Như Huế, Phú Thọ hoàn toàn làm được khi có 2 di sản phi vật thể thế giới tại tỉnh Phú Thọ. Phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa là rất hay, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa."

Với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận và giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ đôn đốc và giám sát quá trình triển khai thực hiện và khẩn trương xem xét, quyết định những lĩnh vực theo thẩm quyền.

Đặng Linh