Chuẩn bị phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước quản lý

Chiều 23/1, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp ban chỉ đạo điều hành giá, cho ý kiến về kết quả công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 và định hướng năm 2024. Theo thông tin từ cuộc họp, bình quân năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước, trong phạm vi Quốc hội đề ra.

Theo báo cáo, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. Bình quân 2023, chỉ số này tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước, trong phạm vi lạm phát mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra. Lạm phát cơ bản bình quần năm 2023 tăng 4,16% so với 2022, cao hơn 0,91% so với mức tăng CPI bình quân chung. Nguyên nhân làm tăng CPI năm 2023 do một số chỉ số giá nhóm hàng về giáo dục, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, lương thực, điện sinh hoạt tăng…  Theo dự báo, năm 2024, giá nhiên liệu và lương thực sẽ là một trong các yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá.

Năm 2024, để thực hiện chỉ tiêu tốc độ chỉ số CPI được Quốc hội giao bình quân từ 4 đến 4,5%, bên cạnh chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, cũng cần tiếp tục điều hành tốt chính sách tiền tệ. Trong đó điều hành lãi suất hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.

Đối với một số mặt hàng do nhà nước định giá như giá dịch vụ giáo dục, giá điện và dịch vụ khám chữa bệnh, các bộ ngành cần chủ động trong tính toán, sớm chuẩn bị phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để tránh bị động trong phối hợp chính sách. Có phương án đảm bảo cân đối cung cầu đối với các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán tới đây. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật giá (sửa đổi) đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực vào 1/7/2024, làm cơ sở cho các bộ, ngành triển khai. 

Mời quý vị và các bạn theo dõi!

Thanh Nga -

Sỹ Cường