Cơ chế đặc thù TP.Buôn Ma Thuột: Phát triển cơ sở hạ tầng nhưng không được lơ là về quốc phòng, an ninh

Sáng 26.10, thảo luận tại tổ 10 (Lào Cai, Vĩnh Phúc, Đắk Lắk), các đại biểu Quốc hội thống nhất cao với sự cần thiết thí điểm một số cơ chế, đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhằm cụ thể hóa Kết luận số 67 – KL/TW ngày 16.12.2019 của Bộ Chính trị, đưa thành phố trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

ĐBQH Lê Ngọc Hải (Đắk Lắk) cho biết, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền địa phương, TP. Buôn Ma Thuột đã có nhiều cố gắng để bảo đảm đời sống cho người dân, phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển du lịch và đang dần trở thành vùng du lịch sinh thái, văn hóa có sức hấp dẫn. Đặc biệt, văn hóa dân tộc được người dân bảo tồn, kế thừa, phát huy và đã tạo được điểm nhấn, như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận.

Trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai có hiệu quả, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, thế trận lòng dân không ngừng được củng cố, tăng cường, nhất là ở tuyến biên giới và các địa bàn trọng yếu. Do đó, ĐB Lê Ngọc Hải nhấn mạnh, đầu tư phát triển Buôn Ma Thuột cần được quan tâm tương xứng với tiềm năng lợi thế, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời không được lơ là về quốc phòng, an ninh.

Theo ĐB Lê Ngọc Hải, các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo cú hích, hỗ trợ Buôn Ma Thuột phát triển, tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết nên xem xét, chú trọng tăng kinh phí hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho thành phố, đặc biệt là hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, tiếp tục hỗ trợ xây dựng các đường tuần tra biên giới trên các khu vực địa bàn Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk nhằm bảo đảm tiềm lực quốc phòng trên địa bàn.

Việt Bắc