COP26: Hành trình "chuyển rác thành tiền" tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày. Đến năm 2025, tỷ lệ này dự báo tăng 10 - 16%/năm. Trong khi, hệ thống xử lý rác thải; trình độ và năng lực quản lý chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của quá trình đô thị hóa, làm nảy sinh nhiều áp lực đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt là tại các bãi chôn lấp, đã và đang là vấn đề bức xúc đối với xã hội. 

Đã nhiều năm nay, những người dân sống quanh khu vực bãi rác Đa Mai, Thành phố Bắc Giang luôn phải gồng mình chống chịu với mùi hôi thối nồng nặc, côn trùng dày đặc tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, sinh hoạt và sản xuất do ô nhiễm nghiêm trọng từ bãi rác này.

Người dân sống chung với rác, ám ảnh vì mùi hôi thối của rác …là tình trạng chung đang diễn ra ở nhiều địa phương. Tại một số nơi, rác thải sinh hoạt thậm chí còn chất thành đống nhiều ngày chưa được thu gom. Công viên, vườn hoa cũng thành nơi chứa rác… rác thải chất đống bên lề đường.

Hiện, 70% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Cả nước hiện có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ có 203 bãi chôn lấp hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Như vậy, còn 457 bãi chôn lấp không hợp vệ sinh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí nghiêm trọng.

Theo các chuyên gia, biến chất thải rắn sinh hoạt thành tài nguyên là xu hướng tất yếu của thế giới, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai. Nhưng hành trình "chuyển rác thành tiền" tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Công tác phân loại rác tại nguồn chưa hiệu quả, công nghiệp tái chế chưa phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại xử lý rác còn khiêm tốn.

Nhiều năm trước, tại một số tỉnh thành, mô hình phân loại rác thải tại nguồn đã hoạt động thí điểm rất hiệu quả, điển hình như phong trào 3R. Nhưng vì nhiều lý do mà hiện nay tất cả dường như trở về con số 0, đâu lại vào đấy.

Dù có quan tâm nhưng người dân cũng không còn mặn mà với việc phân loại rác tại nguồn. Bởi họ cho rằng, dù có ra sức phân loại rác nhưng sau đó nhân viên thu gom lại đổ chung các loại rác vào một xe mang đi xử lý, thì việc phân loại lại thành vô nghĩa.

 Phương tiện thu gom rác, vận chuyển chưa được đầu tư chuẩn hóa, đồng bộ hóa. Bên cạnh đó, cũng không đủ nguồn kinh phí, nhân lực để bố trí thời gian xử lý rác phân loại phù hợp tại địa phương đã dẫn tới việc bài toán phân loại rác vẫn mãi chưa có lời giải.  

Việc phát triển ngành công nghiệp tái chế nhựa cũng được xem là bước đi tất yếu để giải quyết vấn nạn rác thải sinh hoạt hiện nay. Bởi nó không chỉ đảm bảo vấn đề môi trường mà còn mở ra cơ hội thu nguồn lợi kinh tế hàng tỷ USD. Nhưng thực tế, ngành công nghiệp tái chế nhựa ở nước ta dù đã xuất hiện gần nửa thế kỷ qua song vẫn còn “non trẻ”, chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường. 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, dự kiến Việt Nam sẽ thải ra 54 triệu tấn rác thải sinh hoạt vào năm 2030. Trong đó, số lượng chất thải rắn sinh hoạt dự kiến sẽ còn gia tăng nhanh chóng, bởi tốc độ tăng trưởng của kinh tế, đô thị hoá và dân số trên toàn cầu. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp quản lý, phân loại, thu gom hiệu quả cùng công nghệ xử lý rác thải phù hợp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam