COP26: Nâng cao trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) là một nhân tố cần thiết, quan trọng để thúc đẩy và duy trì nền kinh tế tuần hoàn. EPR được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới để kiểm soát chất thải thải ra môi trường. EPR cho thấy trách nhiệm của nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở sản phẩm, mà mở rộng tới cả quản lý chất thải sau tiêu dùng. Các nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm thu hồi, phân loại, tái chế chai, hộp, lọ, túi, bao bì đóng gói sau khi sản phẩm bên trong đã được sử dụng hết. Việc quản lý chất thải sau tiêu dùng thuộc về nơi tạo ra chất thải là hoàn toàn hợp lý, thay vì là việc của Chính phủ như trước đây. Việc thực hiện tốt EPR sẽ là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế và giúp các quốc gia trong đó có Việt Nam sớm đạt được các mục tiêu về môi trường và phát triển bền vững.

EPR là việc các nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm quản lý bao bì sản phẩm của mình khi chúng bị thải bỏ ra môi trường. EPR là một công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và là một cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải, đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu về môi trường.      

Hiện nay có khoảng hơn 400 hệ thống EPR khác nhau trên toàn cầu mà các quốc gia đang áp dụng. EPR và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR, và EPR là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.      

Đứng trước xu hướng tất yếu của sự phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn thì việc bắt buộc áp dụng EPR là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển biền vững. Trước đây Luật chỉ quy định trách nhiệm thu hồi và xử lý các sản phẩm thải bỏ của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhưng nay theo Luật BVMT 2020, nội dung này đã được thay đổi cách tiếp cận trong đó nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm tái chế sản phẩm bao bì đối với 6 nhóm sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế và thu gom, xử lý chất thải đối với 6 nhóm sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải.

Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất được đánh giá là điểm mới tiến bộ của Luật Bảo vệ môi trường. Quy định này được kỳ vọng là một giải pháp hiệu quả và rõ ràng nhất, giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa đang rất nhức nhối hiện nay và đặt nền móng cho nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Theo lộ trình, các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế săm lốp, pin ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì bắt đầu từ ngày 1/1/2024. Nhà sản xuất nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và nhà sản xuất nhập khẩu phương tiện giao thông (otô xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027. Doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.        

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

 

Kim Thanh -

Kim Thoa -

Hiền Trang