Cuốn sách tôi chọn: “Bí mật của bóng tối” gửi thông điệp lạc quan về cuộc sống

Giải thưởng Văn học tuổi 20 là Cuộc vận động sáng tác do Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ, Nhà xuất bản Trẻ phối hợp tổ chức. Tập truyện ngắn "Bí mật của bóng tối" của Đinh Thành Trung là một trong 12 tác phẩm lọt vào vòng chung khảo “Văn học tuổi 20” lần thứ 7. Thông điệp tác giả gửi gắm qua tác phẩm là: Hãy đi chậm lại, lặng lẽ và cẩn trọng dù nhiều lúc cuộc sống làm ta mỏi mệt.

“Bí mật của bóng tối” của Đinh Thành Trung, khai thác đề tài về cuộc sống của những người cùng khổ trong xã hội, những phận đời “kiệt quệ vì mất phương hướng”, bức tranh cuộc sống có lúc hiện lên đầy nghiệt ngã, mỏi mệt và bất lực, nhưng rồi như tia sáng ở cuối con đường, sự mạnh mẽ, vùng vẫy thoát khỏi bóng tối đè nặng, sự vươn lên cố níu giữ cái thiện, cái nhân bản, đã tạo nên giá trị nhân văn quý giá của một cuốn sách dành cho người trẻ. Vẳng đâu đó là cái thông điệp lạc quan mà tác giả gửi gắm: Hãy đi chậm lại, lặng lẽ và cẩn trọng dù nhiều lúc cuộc sống làm ta mỏi mệt.

Tác giả ĐINH THÀNH TRUNG: 

Tác phẩm của tôi được viết trong bối cảnh khoảng 2 năm từ khi đại dịch Covid 19 bắt đầu diễn ra, trong lúc đấy thì tôi là một người đã viết khá lâu rồi, khoảng 20 năm về trước nhưng chỉ viết cho mình tôi xem. Gần đây tôi mới công bố rộng rãi tác phẩm của mình để cho mọi người được đọc thông qua việc lập website có tên là dinhthanhtrung.com và Group Facebook có tên là "Những người kể chuyện". Trong quá trình đấy, tôi cũng đi rất nhiều để tìm cảm hứng sáng tác và tôi lang thang khắp các đường phố, hang cùng ngõ hẻm để nhìn được những câu chuyện, những góc khuất mà tin rằng nếu tôi không kể ra thì cũng khó có thể có những người biết và tìm được, như tôi đã giới thiệu trong cuốn sách bằng một câu đề tự mà tôi rất thích, đấy là: Tôi thích đi lang thang khắp các ngõ phố, ngõ chợ, trong đấy có những cảnh người mà tin rằng, nếu mà kể ra sẽ nhận được nhiều biểu tượng mặt cười

Những câu chuyện, những nhân vật mà tôi gặp thì cũng rất đơn giản thôi, nhưng mà để có thể văn học hóa và cho vào cuốn sách thì tôi thấy có một đặc điểm chung, đó là họ đau khổ, họ mất phương hướng, nhất là trong cái thời buổi một số người rất mất lòng tin vào cuộc sống, nhưng mà tôi tin rằng, sau khi đọc các tác phẩm của tôi, có thể người đọc sẽ thấy một cái gì đấy, một chút rồi đấy hướng thiện hơn, một chút gì đấy có niềm tin hơn vào cuộc sống

Thông điệp cuốn sách của tôi cũng có thể nói là một chút gì đấy thuộc về bóng tối, một chút gì đấy thuộc về bí mật. Mỗi người đều có bí mật riêng, mỗi người đều có một thế giới riêng, họ có thể không muốn chia sẻ cho ai, họ có thể muốn tự mình giải quyết những khó khăn của mình. Trong một cuộc sống mà càng ngày càng hòa nhập hơn, ngày càng kết nối hơn, "Bí mật của bóng tối" ở đây là tôi có thể nói với các bạn rằng: mỗi con người đều có một thế giới, đều có một giấc mơ. Giấc Mơ đấy có thể thật, có thể ảo, có thể ảo do mình tự nghĩ ra, cũng có thể ảo do tác động của công nghệ, nhưng mà trong những cái thế giới của mỗi người đấy, những bí mật đấy, nếu chúng ta chịu chia sẻ một chút, nếu mà chúng ta cố gắng hơn một chút thì sẽ có ánh sáng hiện ra cuối đường hầm

Theo tôi thì với những người trẻ hiện nay có đúng một cách duy nhất là viết nhiều, viết hàng ngày, như tôi bắt đầu viết hàng ngày là từ 200 chữ mỗi ngày và cứ thế lên vài nghìn chữ, và bây giờ tôi có thể viết vài nghìn chữ một ngày. Nếu mà trong quá trình luyện tập rất lâu như vậy, trong nhiều năm thì dần dần kỹ năng của mình sẽ tốt hơn. Tôi tin là như thế. Với độc giả trẻ thì cũng như vậy, một ngày chúng ta có thể chỉ đọc một trang sách là đủ, nhưng mà lâu dần chúng ta sẽ đọc nhiều hơn, 2 trang, 3 trang, 5 trang rồi dần dần chúng ta có thể đọc nửa quyển sách, một quyển sách một ngày. Đọc cũng cần phải luyện tập, và đây chính là những điều tôi muốn nói./.
 

Tùng Dương