Đặc sắc lễ cầu mưa của người Ba Na

Những ngày này, hầu hết người dân tại Tây Nguyên đang phải chống chọi với nắng hạn kéo dài. Tuy nhiên, dưới cái nắng gay gắt của những ngày cuối tháng 4 thì tại làng Hnap, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, cộng đồng dân tộc Ba Na đã cùng nhau phục dựng Lễ Cầu Mưa, một trong những nghi lễ nông nghiệp đặc trưng, thể hiện sự giao hòa giữa con người với thiên nhiên và thần linh. Nghi Lễ còn mang theo những ước vọng về mùa màng tươi tốt và cuộc sống bình an.

Ngay từ sáng sớm, không khí nhộn nhịp tại làng Hnap vang vọng. Mọi người dân trong làng đã tập trung đông đủ cùng những bộ trang phục truyền thống, nhiều món lễ vật như; rượu ghè, cơm lam, gà, thịt heo…được chuẩn bị tươm tất chờ dâng lên thần linh. Già làng cùng các vị cao tuổi đại diện thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa, cầu xin các vị thần linh chứng giám cho lòng thành của dân làng, từ đó ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Hỡi các vị thần linh! Chúng con dâng lên những lễ vật này, cầu xin các thần luôn che chở cho mọi người trong làng có sức khỏe để lao động sản xuất. Cầu mong các vị thần mang mưa tưới mát cho đồng ruộng, nương rẫy, cho cây cối tốt tươi, mùa vụ bội thu, dân làng no ấm.

Đồng bào Ba Na quan niệm, nước là mạch nguồn của sự sống. Vì thế, sau khi phần lễ kết thúc cũng là lúc phụ nữ trong làng thực hiện nghi thức lấy nước tại giọt nước của làng. Sau đó, mọi người cùng nhau thưởng thức rượu cần, chia sẻ những câu chuyện với tiếng cười rộn rã. 

Phục dựng lễ cầu mưa của dân tộc Ba Na có ý nghĩa như một lời nhắc nhở về mối liên hệ chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên, giữa truyền thống và hiện đại. Đây là một di sản văn hóa quý giá cần được gìn giữ và trân trọng, góp phần làm nên bức tranh văn hóa đa sắc màu của Việt Nam. 

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Đình Đại