Đắk Lắk: Hiệu ứng tích cực từ mô hình du lịch thân thiện với voi

Sau một thời gian chuyển dần từ mô hình cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi, tuy đã gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều khu du lịch tại tỉnh Đắk Lắk đã tạo hiệu ứng tích cực, nhận được sự ủng hộ của người dân, du khách trong và ngoài nước. Khi đàn voi nhà tại Tây Nguyên ngày càng suy giảm, mô hình này đang tiếp tục được duy trì và lan toả.

Trang điểm cho voi, chụp ảnh và cho voi ăn, cúng sức khoẻ cho voi, tắm cùng voi…, đó là những hoạt động thân thiện với voi được Trung tâm du lịch Cầu treo Buôn Đôn (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) đa dạng hoá hằng ngày. Sau 1 năm thực hiện việc “ngưng cưỡi voi, cười cùng voi”, tuy doanh thu của doanh nghiệp giảm sút so với việc tổ chức cưỡi voi nhưng du khách đang dần thích thú với mô hình du lịch mới này.

Còn tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, thay vì cưỡi voi, du khách sẽ ngắm voi từ xa, theo dõi voi ăn, tắm, ngủ, đi dạo cùng voi trong rừng. Ngoài biết tính cách của các cá thể voi, tiểu sử của chúng, người tham quan sẽ được thông tin thêm về lịch sử huấn luyện và chăm sóc voi từ lâu đời. Hiện các cá thể voi ở đây được chăm sóc bởi các nài voi. Chúng được tự do ăn, uống, di chuyển và đảm bảo không phá hoại hoa màu của người dân.

Trước đó, Tổ chức Động vật Châu Á cũng tài trợ hơn 2 triệu USD nhằm hỗ trợ việc phát triển mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi và nâng cao phúc lợi, duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà ở Đắk Lắk, thực hiện đến hết năm 2026. Hiện đàn voi nhà của Đắk Lắk còn khoảng 36 cá thể. Đa số các con voi này đều lớn tuổi, già yếu.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Kim Liên -

Việt Bảo