Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh

Nguồn vốn để đầu tư vào các dự án mang lại lợi ích môi trường, hay còn gọi là tín dụng xanh thường có thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, có rủi ro về thị trường nên để các tổ chức tín dụng giải ngân đòi hỏi cơ chế chính sách ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Đây là nhận định của các đại biểu tại hội thảo “Dẫn nguồn vốn lớn cho tín dụng xanh” do Báo đầu tư, Bộ Kế hoạch và đầu tư tổ chức sáng 4/12.

Theo các đại biểu, hành trình chuyển đổi tín dụng xanh đã được nhiều ngân hàng tham gia mạnh mẽ và mang lại được những kết quả bước đầu tích cực với lãi suất vô cùng ưu đãi, song không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tiếp cận với tín dụng xanh, bởi thủ tục không hề đơn giản. Lý do là đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường thường đòi hỏi thời gian dài, chi phí lớn, rủi ro thị trường cao trong khi nguồn vốn huy động các TCTD thường là vốn ngắn hạn. Trong khi đó, ngân hàng cũng không thể hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống. Do vậy các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần sát sao hơn với từng chi nhánh ngân hàng tại các địa phương, cần hạ lãi suất xuống và giãn nợ cho các doanh nghiệp có đầu tư dài hạn.

Cũng theo tính toán của Ngân hàng thế giới, Việt Nam cần đầu tư thêm 368 tỷ USD đến năm 2040, tức 6,8% GDP mỗi năm để thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư vào khả năng phục hồi khoảng 254 tỷ USD và 114 tỷ USD cho hành trình khử carbon theo cam kết với cộng đồng quốc tế. Điều này đòi hỏi Việt Nam sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ trong gần 30 năm tới./. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam