Cần quy định cụ thể trong Luật khi can thiệp sớm vào tổ chức tín dụng thua lỗ

Mặc dù đã được chỉnh lý khá nhiều, song nhiều quy định về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém vẫn khiến đại biểu chưa thực sự yên tâm. Các ý kiến của đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo cũng như thẩm tra vẫn còn khác nhau trong quy định các phương án can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt đối với các ngân hàng thua lỗ. Trong đó có đề xuất tổ chức tín dụng phải tự thân trong giai đoạn can thiệp sớm.

Về quy định can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, UBTVQH đưa ra hai phương án.
Phương án 1, TCTD được đưa vào diện can thiệp sớm khi lỗ lũy kế lớn hơn 15% vốn điều lệ, quỹ dự trữ. Đồng thời, bỏ trường hợp rút tiền hàng loạt vì trường hợp này có thể cho vào diện kiểm soát đặc biệt.

Phương án 2, kết hợp tiêu chí lỗ lũy kế và vi phạm tỷ lệ an toàn theo ý kiến của Chính phủ và giữ trường hợp rút tiền hàng loạt.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, nên dung hoà cả 2 phương án. Phương án 1 chỉ cần có yếu tố là lỗ đến trên 15% vốn tự có và quỹ dự trữ. Phương án 2 lại tiếp cận từ an toàn vốn, vì vậy ngoài việc bị lỗ lũy kế trên 15% còn cộng thêm vi phạm về tỷ lệ an toàn vốn mới can thiệp.

Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng lại nhìn nhận, các quy định tại dự thảo chủ yếu xử lý tình trạng tổ chức tín dụng đã gặp khó khăn, gây ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống cần phải được hỗ trợ, mà chưa thể hiện đúng bản chất của can thiệp sớm.

Giải trình về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là vấn đề rất lớn cần có quy định cụ thể để các tổ chức tín dụng có cơ sở pháp lý thực hiện. Bởi trong thời gian vừa qua khi xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng và ngân hàng yếu kém hay trong quá trình xử lý sự cố SCB, đã đặt ra vấn đề là thực hiện theo quy định, điều khoản nào trong luật.

Về các biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm, ý kiến của UBTVQH được nhiều đại biểu ủng hộ là can thiệp sớm chủ yếu là biện pháp tự thân của tổ chức tín dụng, không sử dụng nguồn lực của Nhà nước; không có sự tham gia hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng khác để tránh tác động lan truyền, lây lan, sẽ ảnh hưởng đến tổ chức tín dụng lành mạnh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam