Đánh giá việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chiều 8/7, đoàn giám sát của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức làm việc với Bộ Công thương về việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc giám sát nhằm đánh giá lại việc thực thi chính sách pháp luật cũng như phục vụ cho công tác thẩm tra sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương trong việc thực thi các chính sách liên quan đến việc bảo về quyền lợi người tiêu dùng, song, các thành viên đoàn giám sát đề nghị Bộ công thương làm rõ việc tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Bộ.

Bà NGUYỄN THỊ KIM ANH, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: “Tỷ lệ giải quyết thành công các vụ việc khiếu nại tại Bộ Công thương là trên 90%, chúng tôi thấy con số này thực sự ấn tượng, tuy nhiên chúng tôi thấy vụ việc còn lại 10% thì được giải quyết như thế nào, có những bất cập khó khăn nào mà chưa được giải quyết được?”

PGS.TS.NGUYỄN THỊ VÂN ANH, Trường Đại học Luật Hà Nội: “Trang 16 thì nói là giải quyết được 1.000-1.500, trang 18 thì lại nói là nhận và giải quyết 500 khiếu nại thôi, thế thì các đồng chí xem lại số liệu này có mẫu thuận không, cần phải tách rõ ra là tiếp nhận bao nhiêu, xử lý bao nhiêu chứ cứ đánh đồng thế này thì không rõ?”

Ông TRỊNH ANH TUẤN, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương:90% thành công chủ yếu tập trung theo hoà giải và thương lượng, khi nhận được thông tin thì việc đầu tiên là hướng dẫn người tiêu dùng thương lượng, cho người ta địa chỉ để doanh nghiệp người ta liên hệ hoặc là hỗ trợ hoà giải là thành công, còn 10% thì khi người ta không thương lượng thì phải ra toà, hoặc không đủ chứng cứ thì phải dừng lại”.

Nhấn mạnh Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có phạm vi điều chỉnh rất rộng, khó, liên quan tới không chỉ 90 triệu người dân Việt Nam, mà còn liên quan tới người nước ngoài, các tổ chức quốc tế hợp tác với Việt Nam; liên quan đến rất nhiều Luật chuyên ngành khác… Do vậy, các ý kiến đoàn giám sát đề nghị Bộ Công thương cần phải đánh giá thật cụ thể, đảm bảo tính logic, các nội dung thể hiện hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng từ trực tiếp đến gián tiếp.
 

Thuỳ Linh – Anh Tuấn