Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Không chỉ cần đào tạo chuyên môn, lao động cho nông thôn cũng cần được đào tạo kỹ năng quản lý, kinh doanh, marketing sản phẩm... Đây là những kiến nghị của các chuyên gia tại Hội nghị “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0” được tổ chức tại Thái Nguyên sáng 20/7.

Tôi đang ở HTX Tâm trà Thái, ở xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên. Chủ HTX - chị Hoàng Thị Tân đã tham gia lớp học ngắn hạn đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Sau khi tham gia lớp học thì cơ sở của chị đã có sự thay đổi rõ rệt.

Chị HOÀNG THỊ TÂN, HTX Tâm trà Thái, tỉnh Thái Nguyên:Rất là may mắn khi tôi được tham gia lớp học chuyển đổi số, rất tích cực đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, facebook, zalo, được khách hàng đón nhận…, dù dịch Covid nhưng không bị ảnh hưởng mấy. Các thầy cầm tay chỉ việc, hỗ trợ, tương tác giúp đỡ…”.

Đây chỉ là một trong số nhiều mô hình thành công về đào tạo nghề cho lao động nông thôn vài năm trở lại đây của tỉnh Thái Nguyên. Không chỉ chú trọng trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho người lao động, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng được chỉ đạo phổ cập công nghệ để người lao động dễ dàng tương tác, tiếp cận các cơ hội việc làm, đặc biệt là tự tìm đầu ra cho sản phẩm.

Tại hội nghị về “Đào tạo lao động nông thôn trước bối cảnh cuộc CM 4.0”, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có những bước chuyển mới trong việc đào tạo nghề để hiệu quả rõ nét hơn.

Ông PHAN CHÍNH THỨC, chuyên gia: “Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trước hết phải đổi mới tư duy, phải xuất phát từ nhu cầu, phải tổ chức xây dựng chương trình, nội dung đào tạo phù hợp, đào tạo theo hướng linh hoạt, mở cho mọi người dân tham gia và thụ hưởng kết quả.”

Ông ĐỖ NĂNG KHÁNH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp: Cần giúp cho lao động nông thôn cập nhật được khoa học công nghệ, ví dụ như kỹ năng bán hàng, giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, chúng tôi đặt ra vấn đề mới trong đào tạo trước bối cảnh cách mạng công nghệ là đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với thị trường, tập trung đào tạo đối tượng đặc thù”.

Lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, thời gian tới, Bộ LĐTBXH và Bộ NNPTNT cũng sẽ chỉ đạo tăng cường hơn nữa việc đào tạo bổ sung kiến thức về khởi nghiệp, marketing trong các chương trình dạy nghề cho nông dân. 

Minh Quốc