Đề nghị sửa Luật Đầu tư: Đại biểu lo mất di tích, di sản

"Chủ trương hậu kiểm là một xu thế tiến bộ đang được áp dụng trong các lĩnh vực, nhưng riêng với di sản văn hóa không thể áp dụng được, vì đối với di sản đã mất đi không lấy lại được" - đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh bày tỏ lo ngại trong phiên thảo luận hôm 10/1 về đề xuất sửa Luật Đầu tư liên quan đến bảo vệ di sản.

Sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư, sửa đổi, bổ sung giao thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, bên cạnh một số ý kiến tán thành, một số ý kiến còn băn khoăn, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động.

Đại biểu Trần Việt Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu quan điểm mọi hoạt động trong khu vực di sản phải phù hợp với pháp luật về di sản.

Ông Trần Việt Anh - Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội: Việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư đối với di sản thế giới là không hợp lý. Trung tâm Di sản thế giới luôn cổ vũ, khuyến khích các quốc gia thành viên có kế hoạch quản lý đầy đủ để bảo vệ giá trị toàn cầu, nổi bật của di sản cũng như tính chân xác và tính toàn vẹn. Chủ trương hậu kiểm là một xu thế tiến bộ đang được áp dụng trong các lĩnh vực, nhưng riêng với di sản văn hóa không thể áp dụng được, vì đối với di sản đã mất đi không lấy lại được. 

Tranh luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đoàn Quảng Ninh cho rằng: Vùng đệm 2 theo như công ước của UNESCO về bảo vệ các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thế giới thì các cam kết của từng quốc gia với mỗi di sản được thể hiện trong hồ sơ đề cử tại UNESCO, trong đó mỗi quốc gia tự cân nhắc việc thiết lập và áp dụng biện pháp bảo vệ đối với vùng đệm hay là vùng bảo vệ 2 theo Luật Di sản văn hóa.

Bà  Nguyễn Thị Thu Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Bản thân mỗi địa phương và người dân của những địa phương được hưởng vùng di sản luôn luôn phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới trên địa bàn và địa phương của mình, đây vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm trước nhân loại trong việc bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới, văn hóa thế giới. Việc thẩm quyền giao cho cấp tỉnh quản lý là hoàn toàn phù hợp. 

Bà Nguyễn Thị Sửu - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Để thấy rõ những dự án tại khu vực bảo vệ 2 của các di tích đang gặp vướng mắc cần thiết phải tháo gỡ bằng việc sửa đổi, bổ sung kiến nghị Chính phủ làm rõ 3 góc độ sau:Thứ nhất, các khâu thủ tục chiếm nhiều thời gian.Thứ hai, quy mô các dự án về diện tích đất và dân số thật sự bất hợp lý về quy trình, thủ tục.Thứ ba, phương án xử lý cần thiết ở mức độ văn bản luật hay văn bản dưới luật. 

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng cần phải thận trọng, không cho phép có những sai sót, bởi có kỷ luật cũng không bù lại được và đền bù tiền bạc cũng không lấy lại được di tích, di sản. 

Ông Tạ Văn Hạ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Luật Di sản quy định là các dự án để nhằm phát huy các giá trị của di tích, di sản, hai việc đó khác nhau. Vậy tại sao phải sửa vào đây? Chúng ta đang xem xét sửa một điều luật của Luật Đầu tư liên quan đến nhà ở đô thị và nhà ở thương mại. Tôi nghĩ là phải nên xem xét sửa điều khoản đối với khu di tích, các dự án phát huy giá trị của khu di tích, di sản này có phải là vấn đề cấp bách để chúng ta xem xét tại kỳ họp bất thường này không? Tôi đề nghị sửa luật, điều này liên quan đến vấn đề này đề nghị xem xét một cách thấu đáo tại một kỳ họp nếu như muốn sửa.

Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định thì việc phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với dự án tại khu vực bảo vệ 2 của di tích là phù hợp và thống nhất với quy định của Luật Di sản văn hóa. Chính phủ cũng có những quy định để tránh lợi dụng việc này.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Để tránh việc lợi dụng làm ảnh hưởng đến các di sản văn hóa thì Chính phủ cũng đã quy định bổ sung về thẩm định sự phù hợp của dự án, với yêu cầu bảo vệ phải được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư để tránh tình trạng triển khai rồi mới xin ý kiến và Luật Đầu tư công năm 2020 thì cũng đã phân cấp như vậy, tương tự đối với các địa phương để quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công. 

Để bảo đảm chặt chẽ trong bảo vệ các di tích và phù hợp với Luật Di sản văn hóa, thống nhất trong hệ thống pháp luật, các ý kiến đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 32 Luật Đầu tư phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, không phải là mọi dự án đầu tư mà chỉ đối với các dự án đầu tư được phép theo quy định của Luật Di sản văn hóa.