Di sản công nghiệp cần sớm được gọi tên!

Ngành công nghiệp Việt Nam đã trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển và tính đến giờ, một số dấu tích khởi phát của ngành công nghiệp đã bắt đầu được nhìn nhận là di sản của đất nước. Tuy nhiên, ứng xử với những di sản công nghiệp này như thế nào vẫn là câu hỏi chưa có đáp án chính thức khi khái niệm di sản công nghiệp ở nước ta mới bắt đầu manh nha và được quan tâm trong vài năm trở lại.

Từ một nhà máy thuốc lá biến thành không gian sáng tạo tại Pháp, từ một nhà ga xe lửa biến thành trung tâm khởi nghiệp lớn nhất năm 2017 tại Hà Lan, nhà máy bia biến thành bảo tàng tại Đức.... và còn nhiều mô hình tái thiết không gian công nghiệp của các nước Châu u được giới thiệu trong một buổi hội thảo “Tái thiết di sản công nghiệp” tại Hà Nội do Viện Pháp tổ chức thời gian gần đây. Những mô hình mà Việt Nam hoàn toàn có thể học tập để tái thiết những không gian còn lại sau khi di dời những nhà máy cũ, như câu chuyện 9 cơ sở sản xuất công nghiệp tại Hà Nội sẽ di dời khỏi nội đô từ năm 2022-2027. Trong đó, nhiều công trình đã tồn tại qua nhiều thập kỷ và gắn bó với người dân Thủ đô. Như nhà máy Bia Hà Nội được xây dựng từ năm 1890, đến nay đã có lịch sử 132 năm. Hay như nhà máy Xe lửa Gia Lâm lại được nhớ đến như những công trình tiêu biểu của thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Trên thực tế thì mô hình tái thiết các không gian sản xuất công nghiệp cũ đã dược tiến hành ở Hà Nội cách đây vài năm và cũng đã tạo ra hiệu quả nhất định. Đơn cử như không gian diễn ra cuộc triển lãm Tái thiết di sản công nghiệp” này cũng được xây dựng và cải tạo trên nền một nhà máy xăng dầu cũ. Tuy nhiên, đây chỉ là những mô hình mang tính riêng lẻ và qui mô nhỏ, còn đối với những không gian có qui mô lớn, được nhìn nhận giá trị di sản thì câu chuyện ứng xử ra sao vẫn chưa thực sự có một đáp án chung. Có thể lấy ví dụ như trường hợp của nhà máy kẽm Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh từng gây xôn xao dư luận một thời bởi câu hỏi “nên giữ hay nên bỏ”. Sau nhiều cuộc thảo luận, tham khảo nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn, tỉnh Quảng Ninh đã ký quyết định giữ lại không gian hơn 53.000 m2 dấu tích còn lại của nhà máy kẽm ( một cơ sở sản xuất từng nổi tiếng khu vực Đông Dương) để bảo tồn. Tuy nhiên, sau 4 năm thì không gian có giá trị lịch sử này vẫn đang chờ đợi những chính sách phê duyệt và đầu tư.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam