Điểm báo 12/11: Nhập khẩu xăng dầu sẽ tiếp tục khó khăn

Nhập khẩu xăng dầu sẽ tiếp tục khó khăn: Tháo gỡ những nút thắt; Cấm 14 năm, vì sao xe tự chế vẫn lộng hành?; Khi nào chứng chỉ IELTS và chứng chỉ Quốc tế khác được tổ chức thi trở lại?; Hoãn thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ: Có hiện tượng thi hộ, gian lận trong hồ sơ ...là những tin chú ý có trên các báo ra ngày 12/11.

Tiếp tục chương trình, mời quý vị cùng cập nhật tin tức từ các mặt báo ra sáng nay. Mở đầu mục điểm báo là bài viết liên quan đến thị trường xăng dầu, bài viết trên báo Tuổi trẻ. Theo nhận định của các doanh nghiệp đầu mối và các chuyên gia, thị trường xăng dầu thời gian tới sẽ vẫn tiếp tục khó khăn ngay cả khi các chi phí đã được liên Bộ Tài Chính – Công Thương điều chỉnh trong kỳ điều hành ngày 11/11.

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu, đến giờ câu chuyện không chỉ là chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ nữa. Nếu để các cửa hàng bán lẻ của đầu mối tư nhân đóng cửa hàng loạt thì khách hàng sẽ dồn sang cây xăng của các doanh nghiệp Nhà nước. Dù các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối lớn chiếm tới 70% tiêu thụ thị trường, nhưng kinh doanh bị lỗ kéo dài, thì dù là vốn Nhà nước nhiều đến mấy, cũng khó có thể trụ được. Báo Tiền phong đề cập, Tình trạng rối, thiếu nguồn cung thời gian qua đã cho thấy hàng loạt bất cập trong điều hành, vận hành của thị trường cũng như các quy định của pháp luật hiện hành.

CẤM 14 NĂM, VÌ SAO XE TỰ CHẾ VẪN LỘNG HÀNH?

Dù đã có quy định cấm tham gia giao thông từ năm 2008 nhưng đến nay, xe ba bánh tự chế vẫn ngang nhiên lưu thông trên đường, gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. “Cấm 14 năm, vì sao xe tự chế vẫn lộng hành?” Đây là tiêu đề bài viết trên báo Giao thông

Theo báo Giao thông, lực lượng CSGT cho biết, khi dừng xe chở hàng cồng kềnh, ngay lập tức, lái xe sẽ xuất trình thẻ thương, bệnh binh và xin xỏ với nhiều lý do rồi chây ì. Khi cơ quan chức năng ra quân xử lý nghiêm xe ba gác tự chế, người dân lại chuyển sang sử dụng xe máy cũ nát kéo theo xe cải tiến chưa được kiểm định để chở vật liệu cồng kềnh. Khi bị lập biên bản, nhiều chủ xe xin được liền bỏ luôn xe, gây khó khăn trong xử lý. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải tăng nặng mức xử phạt vì doanh thu từ vận chuyển hàng hóa bằng xe tự chế rất lớn. Cùng với đó, cần kiên quyết tịch thu, tiêu hủy công khai để tạo hiệu ứng răn đe; bổ sung các quy định mới để xử lý các cơ sở sản xuất các phương tiện này.

KHI NÀO CHỨNG CHỈ IELTS VÀ CHỨNG CHỈ QUỐC TẾ KHÁC ĐƯỢC TỔ CHỨC THI TRỞ LẠI?

Quyết định hoãn thi chứng chỉ IELTS và nhiều chứng chỉ quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gây phản ứng trong dư luận. Nhiều người đặt câu hỏi khi nào các cơ sở thi cấp chứng chỉ IELTS và chứng chỉ quốc tế khác được tổ chức thi trở lại. Bài viết trên báo Lao động.

Theo báo Lao động, Nhiều thí sinh như đang "ngồi trên đống lửa". Các loại chứng chỉ như IELTS, TOEFL có giá trị quốc tế. Cho đến nay, học sinh, sinh viên và người cần sử dụng chứng chỉ này ra nước ngoài đều được chấp nhận, không ai bị cho là bằng giả. Ở trong nước, người học chứng chỉ IELTS rất đông, chứng tỏ uy tín của chứng chỉ này trên thị trường quốc tế. Vậy thì lý do gì để dừng? Báo Lao động cũng đề cập, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cấp phép tổ chức thi IELTS và các chứng chỉ khác trong vòng 20 ngày nếu các tổ chức đủ điều kiện.

HOÃN THI CẤP CHỨNG CHỈ NGOẠI NGỮ: CÓ HIỆN TƯỢNG THI HỘ, GIAN LẬN TRONG HỒ SƠ

Còn theo báo Thanh niên, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở VN thời gian qua 'được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng'.

Báo Thanh niên trích dẫn ý kiến của ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam cũng còn nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể, hoạt động này được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng. Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.