Điểm báo 18/12: Việc làm, thu nhập của lao động sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới

Việc làm, thu nhập của lao động sẽ bị ảnh hưởng trong thời gian tới; Nhiều ngành 'trắng' giáo sư; Sức ép phải tiêu hơn 700.000 tỷ đồng đầu tư công năm 2023; Ngăn chặn thông tin độc hại từ gốc, không đợi tràn lan mới dọn "rác"; Doanh nghiệp phải chủ động phương án trả nợ trái phiếu,... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 18/12.

VIỆC LÀM, THU NHẬP CỦA LAO ĐỘNG SẼ BỊ ẢNH HƯỞNG TRONG THỜI GIAN TỚI (Lao động)

Trong những tháng cuối năm 2022 và dự báo cho nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng trước nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập. Bài viết trên báo lao động.

Theo báo cáo khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động.

NHIỀU NGÀNH 'TRẮNG' GIÁO SƯ (Đại đoàn kết)

Để được công nhận là giáo sư, phó giáo sư theo quy định hiện nay không đơn giản. Có ngành học 10 năm nay không có ứng viên nộp hồ sơ xét duyệt, trong khi chỉ còn 2 PGS đã về hưu. Thực trạng này đặt ra nhiều băn khoăn về đội ngũ kế cận.

Theo bài viết trên báo đại đoàn kết, Hội đồng GS Nhà nước cuối tháng 11 vừa qua đã công nhận 34 ứng viên đạt chức danh GS, 349 PGS. Trong 10 năm qua, đây là con số thấp gần nhất, chỉ nhiều hơn năm 2020 với 339 người được công nhận. Thống kê cho thấy, số GS, PGS được công nhận tăng trong giai đoạn 2013-2017. Tuy nhiên, cụ thể ở từng ngành lại không đồng đều. Riêng Tâm lý học “trắng bảng” khi không ứng viên nào đạt hai chức danh này. Ngành Pháp y đã 10 năm nay không có ứng viên nào.

SỨC ÉP PHẢI TIÊU HƠN 700.000 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ CÔNG NĂM 2023 (Vnxpress)

Việt Nam phải giải ngân tổng vốn đầu tư công trên 700.000 tỷ đồng năm sau, tăng khoảng 25% so với năm nay. Thông tin này được đăng tải trên báo điện tử Vnxpress.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết giải ngân đầu tư công là một nút thắt lớn trong nhiều năm và chưa xử lý được trong thời gian ngắn. Tính đến 30/11, ước đạt giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước khoảng 58,33%, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Để năm 2023 đạt được mục tiêu giải ngân đầu tư công - vốn được xem là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng - trước tiên, cần xem đây là ưu tiên hàng đầu, thường trực trong tư duy nhận thức.

NGĂN CHẶN THÔNG TIN ĐỘC HẠI TỪ GỐC, KHÔNG ĐỢI TRÀN LAN MỚI DỌN "RÁC" (Dân trí)

Ngăn chặn thông tin độc hại từ gốc, không đợi tràn lan mới dọn "rác". Tiêu đề bài viết đáng chú ý được đăng tải trên báo điện tử Dân trí.

Bài viết trích dẫn ý kiến của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, Việc quản lý, xử lý nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới không còn quá khó khăn khi Việt Nam đã thay đổi nhận thức và một số thể chế, chính sách đã hoàn thiện. Theo Thứ trưởng, Các cơ quan cần có biện pháp hướng đến thay đổi thuật toán của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới để gợi ý những thông tin tốt trên không gian mạng. Sắp tới sẽ không có tình trạng bảo hộ ngược, những doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ pháp luật mà lại làm khó các doanh nghiệp trong nước.

DOANH NGHIỆP PHẢI CHỦ ĐỘNG PHƯƠNG ÁN TRẢ NỢ TRÁI PHIẾU (Tuổi trẻ)

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp lấy được niềm tin của nhà đầu tư, giải pháp cốt lõi doanh nghiệp phải minh bạch thông tin, chủ động làm việc với trái chủ về phương án trả nợ. Nếu chậm trả nợ một ngày cho trái chủ thì đã vi phạm.

Theo bài viết trên báo tuổi trẻ phân tích nhận định của một số chuyên gia cho rằng, để giải quyết những bất ổn của thị trường trái phiếu, trước hết doanh nghiệp phải chủ động minh bạch thông tin. Bởi doanh nghiệp vay tiền của công chúng thì phải minh bạch thông tin về sức khỏe của mình với nhà đầu tư. Câu chuyện minh bạch là vấn đề cốt lõi, chìa khóa của mọi giải pháp, giúp thị trường lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Khi hồ sơ minh bạch, thông tin minh bạch, rõ ràng lãi suất trái phiếu sẽ được thảo luận. Ngoài ra, bên cạnh trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, trách nhiệm của các tổ chức trung gian gồm ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán trong việc phân phối trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải quy định chặt chẽ. Do vậy, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện vấn đề nà.