Điểm báo 25/6: Vì sao cứ mưa rào hạ tầng thoát nước Hà Nội lại “tê liệt”?

Cẩn trọng các review “bóc phốt” trường đại học; Quy định về xử lý nợ xấu: Sửa đổi để phù hợp thực tiễn; Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam... là những tin có trong điểm báo sáng nay 25/6.

CẨN TRỌNG CÁC REVIEW “BÓC PHỐT” TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Liên quan đến việc lựa chọn trường đại học hiện nay, trên báo Đại Đoàn Kết số ra cuối tuần có bài viết, thay vì tìm kiếm thông tin tại các kênh chính thống và truyền thống như các phương tiện thông tin đại chúng, qua website, fanpage chính thức, số hotline của các trường đại học... một số em học sinh lại có xu hướng “hỏi Tiktok” và “nghe Tiktoker” trước khi đưa ra quyết định chọn trường, chọn ngành học.

Sau khi truy cập vào Tiktok và xem những video với lượt xem “khủng” tư vấn về ngành học đại học, cao đẳng và hàng loạt những ngành nghề được các chuyên gia Tiktok tự phong với tiêu đề gây sốc khiến thí sinh khó lòng không kích vào xem. Từ những đánh giá mang tính chủ quan của Tiktoker, không dựa trên bất kỳ số liệu, thống kê nào đã khiến những thí sinh vốn đang rất bối rối với bài toán chọn trường, chọn ngành càng hoang mang hơn bởi đa số nội dung đều hướng tới thông điệp... "học đại học vô dụng". Các chuyên gia khuyến nghị thí sinh cần tỉnh táo, bình tĩnh chọn lọc kênh thông tin, nội dung; cẩn thận với những chia sẻ khen - chê ngành nghề phiến diện, sai lệch, thiếu căn cứ từ các “chuyên gia dỏm”.

VÌ SAO CỨ MƯA RÀO HẠ TẦNG THOÁT NƯỚC HÀ NỘI LẠI “TÊ LIỆT”?

Hầu hết các trận mưa gây ngập trên địa bàn thành phố thời gian qua đều có cường độ mưa vượt năng lực thiết kế của dự án là 50mm. Thậm chí, nhiều trận mưa vượt gấp ba năng lực hệ thống thoát nước của thành phố trong khi hệ thống hạ tầng, đường ống và trạm bơm từ dự án thoát nước Hà Nội đã được xây dựng xong và có công suất 310mm/2 ngày (tương đương các trận mưa có cường độ 50mm/2 giờ). Với các trận mưa có lượng mưa đến 50mm/giờ, thành phố không xảy ra úng ngập; với trận mưa có lượng mưa từ 50 đến 70mm/giờ, toàn thành phố sẽ có 11 điểm úng, với các trận mưa có lượng mưa trên 70mm/giờ, thành phố xuất hiện 19 điểm úng ngập...

QUY ĐỊNH VỀ XỬ LÝ NỢ XẤU: SỬA ĐỔI ĐỂ PHÙ HỢP THỰC TIỄN

Sau một thời gian dài phát huy hiệu quả, những quy định xử lý nợ xấu hiện đã “lỗi thời”, không còn phù hợp thực tế. Các cơ quan quản lý, ngân hàng thương mại, chuyên gia đều cho rằng cần phải sửa đổi quy định về xử lý nợ xấu để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay. Chất lượng tài sản của các ngân hàng thương mại đang suy giảm, khiến vấn đề kiểm soát nợ xấu gặp nhiều khó khăn.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải có giải pháp tổng thể để vực dậy nền kinh tế, không chỉ từ 3 lĩnh vực gần gũi và có ảnh hưởng lớn tới ngành ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu, mà còn là sự ổn định của xuất nhập khẩu, cũng như sự phát triển của các ngành kinh tế. Thời điểm này, việc giảm lãi suất cũng chỉ có thể coi là giải pháp mang tính giai đoạn. Vấn đề là phải làm sao phục hồi nền kinh tế một cách toàn diện, khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng, khi các thị trường hồi phục dần, rủi ro nền kinh tế giảm thì lãi suất duy trì mức thấp, rủi ro với ngân hàng sẽ giảm.

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG CẢNH BÁO 24 HÌNH THỨC LỪA ĐẢO ĐANG DIỄN RA TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG VIỆT NAM

Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) nhắm vào các nhóm đối tượng là người cao tuổi; trẻ em; sinh viên, thanh niên; các đối tượng công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng… Cụ thể, lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; Lừa đảo cuộc gọi video deepfake, deepvoice; Lừa đảo “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; Giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; Chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí….. Các hình thức lừa đảo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; Lừa đảo tuyển CTV online; Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo….. Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được các đối tượng lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng.

Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, nhằm lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Ngô Trang