Điểm báo 31/10: Người dân không muốn thoát nghèo vì lo mất chế độ bảo hiểm, hỗ trợ gạo

Người dân không muốn thoát nghèo vì lo mất chế độ bảo hiểm, hỗ trợ gạo; Gần 15.000 doanh nghiệp “bỏ cuộc chơi” mỗi tháng; Băn khoăn chất lượng đường cao tốc;... là những tin đáng chú ý trên mặt báo sáng ngày 31/10.

NGƯỜI DÂN KHÔNG MUỐN THOÁT NGHÈO VÌ LO MẤT CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM, HỖ TRỢ GẠO

Mở đầu mục Điểm báo là bài viết đáng chú ý trên báo điện tử Dân trí.  Cho ý kiến về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu Quốc hội chỉ rõ có hiện tượng người dân chưa muốn thoát nghèo vì tiếc nhiều trợ cấp an sinh xã hội đang được hưởng.

Bài viết trích dẫn ý kiến đại biểu Quốc hội Trần Nhật Minh (Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An) phản ánh thực tiễn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới tại địa phương cho rằng, Còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025. Nguyên nhân do các xã miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như: bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức. 
Thực trạng trên đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn xã đặc biệt khó khăn, nay trở thành thôn, xã nông thôn mới.    

GẦN 15.000 DOANH NGHIỆP “BỎ CUỘC CHƠI” MỖI THÁNG

Gần 15.000 doanh nghiệp “bỏ cuộc chơi” mỗi tháng. Thông tin đáng chú ý được đăng tải trên báo Thanh niên

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 10, cả nước có hơn 15.400 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,7% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, cả nước có khoảng 183.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là khoảng 146.600, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 1 tháng có 14.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.    

BĂN KHOĂN CHẤT LƯỢNG ĐƯỜNG CAO TỐC

Các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2021 dù chưa hoàn thành toàn bộ nhưng đã nhận cảnh báo từ Bộ Công an về chất lượng công trình. Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên “siêu dự án” này nhận cảnh báo.

Trong đó, đánh giá có 7 đoạn, tuyến cao tốc chưa bảo đảm tiêu chuẩn an toàn. Theo một số chuyên gia giao thông, vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có Vấn đề liên quan đến nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên nhiều đường cao tốc, trong đó không ít đoạn tuyến thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã phải đầu tư xây dựng không đạt đúng chuẩn cao tốc, cụ thể là chỉ xây được 2 làn. Việc chỉ xây dựng 2 làn, không có làn dừng khẩn cấp không chỉ không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng để các phương tiện lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Để giải quyết nhưng bất cập trên, cần có lộ trình cụ thể nâng cấp, cải tạo; triển khai xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông với các tuyến đang khai thác…  

TÌNH TRẠNG CHỦ ĐẦU TƯ “ÔM” QUỸ BẢO TRÌ CHUNG CƯ: LỢI DỤNG LỖ HỔNG PHÁP LUẬT

Thời gian qua, hàng loạt trường hợp chủ đầu tư “ôm” quỹ bảo trì chung cư đã bị xử phạt hành chính. Nhiều đại biểu Quốc hội nhận định thực trạng này xuất hiện bởi chủ đầu tư các dự án lợi dụng “khe hở” của pháp luật nhằm chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng, gây bức xúc cho người mua nhà. 

Bài viết trên báo Nông thôn ngày nay trích dẫn ý kiến của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Hằng (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, Hiện nay nhiều khu chung cư có quỹ bảo trì rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng ban quản trị khi gửi tại các ngân hàng và mua sắm, sửa chữa lớn không tổ chức đấu thầu, vì họ cho rằng luật, thông tư của Bộ Xây dựng không bắt buộc, gây bức xúc cho người dân là người sở hữu nhà ở.  Đại biểu đề nghị cần phải bổ sung một điểm là quyết định cơ chế kiểm soát công tác tài chính của ban quản trị. Đây là một điểm rất cần thiết, hiện nay chúng ta mới quyết định thu, chi, còn chưa có cơ chế kiểm soát.    


Truyền hình Quốc hội Việt Nam