Điểm báo: Ngăn chiếm đoạt, thất thoát quỹ bình ổn giá xăng dầu

Ngăn chiếm đoạt, thất thoát quỹ bình ổn giá xăng dầu; Ngân hàng “đau đầu” với nợ xấu; Sớm lấp lỗ hổng quản lý vận tải khách; Nhà ở xã hội: Nghịch lý nơi thừa nơi thiếu;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 30/10.

NGĂN CHIẾM ĐOẠT, THẤT THOÁT QUỸ BÌNH ỔN GIÁ XĂNG DẦU

Theo đó quỹ bình ổn giúp kìm hãm đà tăng của giá xăng dầu, tránh được những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân. Tuy nhiên, việc quản lý, giám sát quỹ này như thế nào để không xảy ra hành vi chiếm đoạt, gây thất thoát vẫn là bài toán khó. Đây là thông tin đáng chú ý sáng đầu tuần ngày hôm nay trên trang báo Kinh tế và đô thị.

Thời gian qua, do quản lý lỏng lẻo mới dẫn đến hệ lụy DN đầu mối xăng dầu không tuân thủ quy định về quỹ bình ổn xăng dầu như: không phát sinh hoạt động trích lập,sử dụng quỹ, không kết chuyển số dư quỹ vào tài khoản ngân hàng. Thậm chí có Doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ đã tùy ý “mượn” quỹ bình ổn xăng dầu để bù đắp, có doanh nghiệp chiếm dụng quỹ để thế chấp ngân hàng. Theo các chuyên gia, trước hết phải minh bạch hoạt động trích lập quỹ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Tiền trích lập được gửi vào tài khoản quỹ bình ổn giá xăng dầu được đăng ký tại ngân hàng. Từng số liệu trích lập được báo cáo cụ thể, có sự kiểm tra, xác minh của cơ quan quản lý. Sử dụng quỹ, tiền không phải của DN, chỉsử dụng cho hoạt động bình ổn giá xăng dầu, nên ngoài hoạt động bình ổn giá xăng dầu theo thông báo của liên Bộ Công Thương – Tài chính, DN không có quyền động đến quỹ với bất kỳ lý do nào khác…

NGÂN HÀNG “ĐAU ĐẦU” VỚI NỢ XẤU

Dù các ngân hàng giảm lãi suất cho cả khoản vay cũ và khoản vay mới nhưng với nhiều doanh nghiệp (DN), ngay cả trả khoản vay  gốc cũng khó. Nợ xấu đang làm “đau đầu” ngành ngân hàng. Thông tin đăng tải trên báo ĐạiĐoànKết. 

Ngân hàng Nhà nước cho biết, Tỷ lệ nợ xấu ở mức 2% hồi đầu năm tăng lên 3,56% ở thời điểm cuối tháng 7, tương đương hơn 440.000 tỉ đồng. Nếu tính cả nợ xấu nội bảng, cộng thêm các khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản, các tổ chức tín dụng Việt Nam chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống tổ chức tín dụng...thì tỷ lệ nợ xấu là 6,16%, tương đương 768.000 tỷ đồng. Khó khăn lớn nhất hiện tại là khả năng hấp thụ vốn của DN rất yếu trong bối cảnh thị trường, sức mua kém nên dù lãi suất có giảm thêm DN cũng chưa chắc có nhu cầu vay. Do đó, cùng với việc cơ cấu lại nợ quá hạn, cần giải quyết bài toán đầu ra và doanh thu của DN để có dòng tiền duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và trả được lãi vay ngân hàng.

SỚM LẤP LỖ HỔNG QUẢN LÝ VẬN TẢI KHÁCH

Trên Báo Giao thông sáng nay có bài viết, Suốt thời gian dài vừa qua, nhiều vụ việc liên quan đến vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải đã diễn ra như xe bỏ bến ra ngoài cạnh tranh với xe hợp đồng trá hình. Hay như nhiều xe xin phù hiệu hợp đồng nhưng lại hoạt động trá hình tuyến cố định….gây mất trật tự an toàn giao thông. Mới đây, nhiều quy định siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải khách đang được đề xuất nhằm dẹp tình trạng bát nháo như hiện nay.

Hiện Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đến quản lý  hoạt động vận tải bằng xe ô tô. Cụ thể, Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi phù hiệu, biển hiệu do xe vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trong tháng hoặc 3 lần/ngày; hoặc do không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục sẽ không được cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nộp lại phù hiệu, biển hiệu. Ngăn chặn xe hợp đồng, xe du lịch chạy trá hình tuyến cố định, Bộ GTVT đề xuất quy định, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách loại hình này và lái xe không được quảng cáo hoặc đăng tải các thông tin về hành trình/lộ trình; điểm đầu/nơi đi, điểm cuối/nơi đến; chuyến xe có xác định giờ khởi hành/xuất phát; giá vé hoặc số tiền/hành khách; địa điểm đón, trả khách dưới mọi hình thức. Trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.    

NHÀ Ở XÃ HỘI: NGHỊCH LÝ NƠI THỪA NƠI THIẾU

Thị trường thiếu nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân nhưng nhiều nơi loại hình nhà ở này vẫn đang “ế ẩm” vì những hạn chế trong quy định và phương hướng phát triển chưa thực sự phù hợp.

Nguyên nhân một số dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ế ẩm, là do việc lựa chọn Vị trí xây dựng chưa phù hợp với đối tượng được sử dụng. Các khu công nghiệp cần nhà ở xã hội thì chưa đáp ứng. Một số khu xây dựng xa nơi làm việc, xa trung tâm thành phố, không thuận tiện, giá rẻ cũng không có người mua. Quy mô, cơ cấu đối tượng và điều kiện ở tối thiểu của nhà ở công nhân chưa được nghiên cứu kỹ; chưa quan tâm đến đối tượng có nhu cầu thuê. Công nhân, người lao động thu nhập thấp, sinh viên thuê, cán bộ công nhân viên, mỗi khu nhà ở xã hội phải có quy mô, cơ cấu hợp lý giữa các đối tượng để thu hút. Quy hoạch khu vực xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân rõ ràng thay vì bị động thực hiện theo đề xuất của các nhà đầu tư.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam