• 1288 lượt xem
  • 06:06 03/07/2023
  • Kinh tế

Điểm báo: Biển đỗ xe ngày chẵn, lẻ vô tác dụng - Cần mạnh tay dẹp bỏ

Giải ngân đầu tư công có nhiều chuyển biến rõ nét; Biển đỗ xe ngày chẵn, lẻ vô tác dụng: cần mạnh tay dẹp bỏ; Doanh nghiệp "kiệt sức", cần hỗ trợ cụ thể, nhanh, trúng;... là những tin đáng chú ý trên mặt báo sáng ngày 3/7,

GIẢI NGÂN ĐẦU TƯ CÔNG CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN RÕ NÉT

Thông tin từ Bộ tài chính cho thấy, tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm nay tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2022 cả về số vốn giải ngân và tỷ lệ so với kế hoạch. Bài viết trên báo điện tử VTV. Theo báo điện tử VTV, Tính đến ngày 30/6, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP Hồ Chí Minh đạt 23%. Dù tỷ lệ thấp hơn kế hoạch đặt ra, nhưng tổng vốn đã giải ngân đạt hơn 14.000 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần cùng kỳ năm 2022. TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng tốc độ giải ngân đầu tư công. Với mục tiêu giải ngân ít nhất 95% tổng số gần 810.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trong năm nay, khối lượng vốn cần giải ngân trong niên hạn vẫn còn khoảng 67%, tương đương với hơn 540.000 tỷ đồng.  

BIỂN ĐỖ XE NGÀY CHẴN, LẺ VÔ TÁC DỤNG: CẦN MẠNH TAY DẸP BỎ

Hà Nội triển khai quy định cho phép đỗ xe ôtô ngày chẵn, lẻ dưới lòng đường từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên dù đã có biển báo nhưng nhiều phương tiện vẫn ngang nhiên đỗ xe ở hai bên đường, khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Bài viết trên báo Lao động. Mỗi khi nhắc đến quy định đỗ xe chẵn lẻ trên phố, nhiều người lại lắc đầu ngao ngán vì những tấm biển này đang bị vô hiệu hoá. Nguyên nhân là do nhu cầu đỗ xe lớn nên chưa kiểm soát toàn bộ. Bên cạnh đó, còn một số cá nhân, tổ chức, vì mục tiêu lợi nhuận riêng nên đã tổ chức trông giữ xe trái phép. Theo báo Lao động, Nhiều chủ xe ôtô đã "lách luật" bằng cách bật đèn tín hiệu khẩn cấp để "đỗ tạm". Cơ quan chức năng cần lắp camera phạt nguội, xử nghiêm vi phạm. Còn nếu không thể xử nghiêm, nên dỡ bỏ biển báo, tránh gây phản cảm, giảm ùn tắc giao thông.  

DOANH NGHIỆP "KIỆT SỨC", CẦN HỖ TRỢ CỤ THỂ, NHANH, TRÚNG

Theo Tổng cục thống kê, trong 6 tháng đầu năm, có 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so cùng kỳ; bình quân mỗi tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Doanh nghiệp "kiệt sức", cần hỗ trợ cụ thể, nhanh, trúng. Đây là tiêu đề bài viết trên báo Nhân dân. Các dấu hiệu đáng lo ngại cho "sức khỏe" của  nghiệp đã bắt đầu từ những tháng cuối năm 2022 và đặc biệt là những tháng đầu năm 2023. Bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Theo báo Nhân dân, Doanh nghiệp có điểm nghẽn khác nhau, nhưng tựu trung lại có một số điểm chung về đứt gãy chuỗi giá trị khi các đơn hàng hiện nay đang giảm mạnh. Bên cạnh đó, nguồn vốn của doanh nghiệp cũng đã cạn, khiến doanh nghiệp đang đứng trước lựa chọn tiếp tục "bơm" vốn hay quá sợ lạm phát mà từ bỏ kinh doanh.  

TĂNG TRƯỞNG THẤP, NỖ LỰC PHẢI LỚN HƠN

Cũng liên quan đến những con số mà Tổng cục thống kê vừa công bố, Thời báo Ngân hàng có bài viết "Tăng trưởng thấp, nỗ lực phải lớn hơn". Theo Thời báo Ngân hàng, Có thể tạm yên tâm về lạm phát, nhưng việc GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 3,72% và rất nhiều khó khăn, thách thức phía trước, yêu cầu phải có những nỗ lực vượt bậc, cộng với sự “may mắn” từ bên ngoài để đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2023. Phân tích sâu hơn, khu vực dịch vụ đang nổi lên là một trụ đỡ và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế hiện nay. Và điểm nhấn trong ngành dịch vụ chính là sự phục hồi tích cực của du lịch, đặc biệt là sự phục hồi mạnh của khách quốc tế. 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam