Điểm báo: Cơ chế tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa phát huy hiệu quả

Cơ chế tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn chưa phát huy hiệu quả; Giá gạo tiếp tục lập đỉnh, VFA đề nghị quy định giá sàn xuất khẩu để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng; Lộ diện “ngôi vương” mới trong ngành xuất khẩu tỷ USD; Gỡ "nút thắt" visa, du lịch Việt Nam liệu có tăng tốc bứt phá?...Là những tin có trong điểm báo sáng 4/9.

CƠ CHẾ THÁO GỠ KHÓ KHĂN VỀ NGUỒN VỐN CHƯA PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Hiện nay, hệ thống vay của các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án bất động sản phụ thuộc chủ yếu vào 3 nguồn chính: ứng tiền từ khách hàng, phát hành trái phiếu và vốn tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Theo bài viết trên báo Kinh tế và đô thị, trong bối cảnh thị trường trái phiếu vẫn chưa có nhiều tín hiệu khả quan, doanh nghiệp vẫn đang phải “xoay xở" bán hàng, nhà đầu tư khủng hoảng niềm tin, hầu hết các doanh nghiệp bất động sản vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng để duy trì hoạt động. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều chỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế thông qua nhiều đợt giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi... nhưng doanh nghiệp và ngân hàng vẫn “khó gặp nhau”. Bởi các doanh nghiệp bất động sản không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn do “sức khỏe” của các đối tượng này vốn đã suy yếu từ lâu cùng với những khó khăn của thị trường.

GIÁ GẠO TIẾP TỤC LẬP ĐỈNH, VFA ĐỀ NGHỊ QUY ĐỊNH GIÁ SÀN XUẤT KHẨU ĐỂ TRÁNH ĐỨT GÃY CHUỖI CUNG ỨNG

Giá gạo tiếp tục lập đỉnh, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề nghị quy định giá sàn xuất khẩu để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng. Bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam

8 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ. Với bối cảnh thị trường thế giới diễn biến phức tạp, trong văn bản báo cáo được gửi tới Văn phòng Chính phủ gần đây, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo. Bối cảnh được VFA đưa ra là do giá gạo biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái, đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, xuất phát từ tâm lý chờ giá nên dẫn tới hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.

LỘ DIỆN “NGÔI VƯƠNG” MỚI TRONG NGÀNH XUẤT KHẨU TỶ USD

Theo Tổng cục Thống kê, sau 8 tháng đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Thông tin đáng chú ý trên báo Tiền phong.

Trong giai đoạn từ 2011 - 2022, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao. Bình quân cả giai đoạn tăng 25,6%. Đến tháng 5/2023, điện tử, máy tính và linh kiện tiếp tục vượt qua điện thoại và linh kiện để trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 20,5 tỷ USD, vượt qua điện thoại và linh kiện đạt 20,2 tỷ USD. Hiện đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điện tử, máy tính và linh kiện là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, trong khi nhiều ngành sản xuất công nghiệp và xuất khẩu đang nỗ lực hồi phục sau dịch Covid-19.

GỠ "NÚT THẮT" VISA, DU LỊCH VIỆT NAM LIỆU CÓ TĂNG TỐC BỨT PHÁ?

Nới lỏng chính sách visa - tin vui mà các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn hằng mong mỏi đã chính thức được áp dụng. Trên báo điện tử VOV có bài viết: Gỡ nút thắt vis, du lịch Việt Nam liệu có tăng tốc bứt phá

Đại diện nền tảng du lịch trực tuyến Agoda cho biết, số lượt tìm kiếm thông tin chính sách đổi mới về thị thực của Việt Nam từ du khách quốc tế tăng 33% trong 2 tuần ngay sau khi có hiệu lực. Cũng theo đại diện một số doanh nghiệp du lịch, Việc nới lỏng visa giúp doanh nghiệp sẽ có nhiều không gian để chào bán sản phẩm, tăng thêm dịch vụ linh hoạt cho du khách. Đây là một cơ hội tốt để các doanh nghiệp xây dựng lại sản phẩm du lịch dài ngày, thu hút những thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao. Bên cạnh đó, khiến du khách khi lựa chọn điểm đến ở Việt Nam có nhiều thời gian để tham gia các chương trình du lịch.