Điểm báo: Nỗ lực giảm sĩ số học sinh

Còn nhiều băn khoăn xung quanh quyết định thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè TPHCM từ ngày 01/9; Sản xuất xanh là điều bắt buộc để cạnh tranh toàn cầu; Bộn bề nỗi lo trước năm học mới; Nỗ lực giảm sĩ số học sinh;... là những tin tức đáng chú ý trên các trang báo sáng 01/09.

CÒN NHIỀU BĂN KHOĂN XUNG QUANH QUYẾT ĐỊNH THU PHÍ SỬ DỤNG LÒNG ĐƯỜNG, VỈA HÈ TP.HCM TỪ NGÀY 01/9

Hôm 01/9, ngày đầu tiên của Tháng 9, các báo có những nội dung nào nổi bật, mời quý vị cùng chúng tôi điểm qua. Theo quyết định số 32 của Chủ tịch UBND thành phố HCM, từ ngày 01/9/2023, các cá nhân, tổ chức sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè phải nộp phí theo quy định. Điều này một lần nữa làm dấy lên nỗi lo của ngườ i dân, khi lề đường, vỉa hè vốn là phần dành cho người đi bộ...

Thống kê cho thấy, toàn thành phố hiện có hơn 4.800 tuyến đường có chiều rộng từ 5 m trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến không có vỉa hè, chiếm 54% tổng tuyến đường đô thị. Việc kinh doanh, mua bán hàng rong gần như là một đặc thù của thành phố HCM. Vì thế, Một số ý kiến cho rằng tư duy vỉa hè là của người đi bộ đã thực sự không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Thay vào đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp cận khái niệm vỉa hè đa năng, nghĩa là vỉa hè không chỉ có một công năng đi bộ. Trong khi đó, quan điểm của Sở Giao thông vận tải TP.HCM là: vỉa hè dù rộng hay hẹp vẫn phải ưu tiên dành cho người đi bộ 1,5 m và hai làn ô tô cho một chiều đi đối với lòng đường. Phần còn lại nếu đủ điều kiện mới tổ chức các hoạt động khác ngoài mục đích giao thông.

SẢN XUẤT XANH LÀ ĐIỀU BẮT BUỘC ĐỂ CẠNH TRANH TOÀN CẦU

Sản xuất xanh và tiêu dùng bền vững trở thành điều bắt buộc với các doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và khi các nguồn nguồn nguyên, vật liệu sơ cấp ngày càng cạn kiệt.

Các chuyên gia nhận định, Việc nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như phân phối xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với những xu thế trên thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và quy định trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, đây trở thành điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, Chính sách chưa đồng bộ, chồng chéo; chi phí chuyển đổi lớn; nhận thức còn hạn chế… Điều này đặt ra yêu cầu có những giải pháp thiết thực hơn nữa. Đó là cơ quan chức năng cần hoàn thiện, đồng bộ các chính sách ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất xanh; xây dựng được những tiêu chuẩn về những mô hình kinh tế tuần hoàn...

BỘN BỀ NỖI LO TRƯỚC NĂM HỌC MỚI

Chỉ còn ít ngày nữa khi tiếng trống trường năm học mới 2023 – 2024 sẽ vang lên. Thế nhưng, bên cạnh niềm hân hoan, tươi vui không ít phụ huynh, học sinh và các thầy cô giáo vẫn còn bộn bề lo lắng.

Với các khoản tiền thu như sách, đồng phục, quỹ phụ huynh, các khoản xã hội hoá, tiền học phí, bảo hiểm, ủng hộ…. đang khiến nhiều phụ huynh lo lắng dù ngày khai giảng chưa chính thức bắt đầu. Còn với thầy cô giáo, với chương trình mới, bộ sách mới, các thầy cô chỉ mong được hướng dẫn, tập huấn thật kỹ, thật thiết thực việc tổ chức hoạt động nhận thức, dạy học để giáo viên không còn hoang mang với chương trình mới. ngoài những tâm tư về nâng cao công tác chuyên môn, nhiều giáo viên lo lắng về thời gian khi vừa phải xây dựng kế hoạch giảng dạy cho nhóm chuyên môn, xây dựng kế hoạch bài dạy, ôn nước rút cho học sinh giỏi thành phố vừa phải ôn thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên.

NỖ LỰC GIẢM SĨ SỐ HỌC SINH

Trên trang nhất báo Giáo dục và thời đại có bài viết, dù các ngành chức năng nỗ lực đưa nhiều công trình vào sử dụng, tuy nhiên do số lượng học sinh tăng cao nên các dự án xây mới chưa đáp ứng kịp nhu cầu.

Tại một số địa phương, người dân lo lắng về tình trạng trường lớp quá tải, nhất là ở nơi đông dân cư. Cụ thể, 5 năm gần đây, trung bình mỗi năm học mới, TP Biên Hòa tăng từ 8.000 - 10.000 học sinh so với năm học trước. Năm học 2023 - 2024, dự kiến địa phương tăng hơn 8.800 em, nâng tổng số học sinh toàn thành phố lên khoảng 240 nghìn. Vì vậy áp lực về trường lớp và sĩ số học sinh/lớp vẫn rất lớn. Hay như, tại Lào Cai, năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Sa Pa, tỉnh Lào Cai có hơn 1.300 học sinh theo học. Tiếp nhận học sinh toàn bộ “vùng lõi” của thị xã Sa Pa dẫn đến tình trạng quá tải trong khi cơ sở vật chất của nhà trường còn nhiều hạn chế. Đến nay, Nhiều trường đã chủ động xin ý kiến về phương án mở rộng quy mô, khuôn viên, xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng cho các trường.

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam