Điểm báo: Du lịch thời vé máy bay "trên trời"

Du lịch thời vé máy bay 'trên trời'; Bịt lỗ hổng ngân hàng; Đề xuất nghỉ 5 ngày dịp lễ 30/4: Doanh nghiệp du lịch có kịp trở tay?; Bất động sản nghỉ dưỡng năm nay có kỳ vọng phục hồi?,... là những nội dung chính có trong phần điểm báo sáng 06/04.

DU LỊCH THỜI VÉ MÁY BAY 'TRÊN TRỜI'

Giá vé máy bay đang ở mức tăng cao chưa từng có, trung bình để đến các điểm du lịch trong nước, du khách phải chi từ 4-8 triệu đồng/ cặp vé khứ hồi. Báo Tiền phong có bài viết "Du lịch thời vé máy bay 'trên trời".

Theo báo Tiền phong, nhìn vào bảng giá du lịch nội địa và quốc tế, nhiều người cân nhắc đến việc du lịch nước ngoài như Thái Lan, Indonesia hoặc Maylaysia. Việc điều chỉnh giá trần hàng không từ 1/3 tác động ngay tức thì đối với các tour du lịch trong nước. Giá tour bắt buộc phải điều chỉnh song song. Chuyên gia dự báo, đối với tour nội địa, hình thức du lịch trong cự ly gần và du lịch tự túc sẽ tăng cao. Vé máy bay tăng, du khách buộc cân nhắc hình thức du lịch vừa túi tiền. Trong đó, tour đường bộ cự ly gần, đi bằng tàu hỏa là những lựa chọn khá thú vị. Vì giải quyết cùng lúc nhiều vấn đề, vừa giảm lệ thuộc vào giá vé máy bay, vừa gia tăng trải nghiệm mới mẻ.

BỊT LỖ HỔNG NGÂN HÀNG

Gần đây, nhiều người lo lắng khi tiền trong tài khoản bị mất. Điều đó cho thấy hệ thống bảo mật ngân hàng bộc lộ lỗ hổng lớn. Bài viết trên báo Đại đoàn kết.

Theo Đại đoàn kết, nhiều chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc tài khoản ngân hàng bị mất tiền chứng tỏ hệ thống này đang có lỗ hổng. Lỗ hổng có thể tới từ quy trình của ngân hàng, có thể là việc thực hiện các quy định và quy trình nội bộ, cũng có thể là do đạo đức kinh doanh của một số cán bộ ngân hàng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu giám sát chặt chẽ, cảnh báo kịp thời các nguy cơ rủi ro trong hoạt động của 14 tổ chức tín dụng. Việc ngăn chặn các nguy cơ rủi ro trong hoạt động mang tính hệ thống là rất cần thiết.

ĐỀ XUẤT NGHỈ 5 NGÀY DỊP LỄ 30/4: DOANH NGHIỆP DU LỊCH CÓ KỊP TRỞ TAY?

Việc đề xuất hoán đổi ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 nhằm tạo ra kỳ nghỉ dài hơn đã thu hút sự chú ý của nhiều người, trong đó có các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ lữ hành. Bài viết trên báo Tuổi trẻ.

Hầu hết các doanh nghiệp du lịch, lữ hành được hỏi đều tán thành với đề xuất hoán đổi ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhằm tạo ra kỳ nghỉ dài hơn cho người dân. Tuy vậy, nhiều chủ doanh nghiệp du lịch cũng khá hững hờ với thông tin trên. Theo Tuổi trẻ, nhiều ý kiến cho rằng kỳ nghỉ kéo dài thêm không có ý nghĩa nhiều với doanh nghiệp, vì thời gian quá cận kề để họ thay đổi kế hoạch kinh doanh. Nếu nhu cầu tăng đột biến trong kỳ nghỉ dài này, giá cả của các dịch vụ du lịch có thể tăng lên, trong khi bản thân các doanh nghiệp cũng căng thẳng vì vấn đề nhân sự.

BẤT ĐỘNG SẢN NGHỈ DƯỠNG NĂM NAY CÓ KỲ VỌNG PHỤC HỒI?

Sau thời gian bùng nổ, từ khoảng năm 2019, bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu có xu hướng chững lại. Thị trường hầu như không có giao dịch do khủng hoảng pháp lý, nhiều dự án "vỡ trận". Báo Dân trí đặt câu hỏi "Bất động sản nghỉ dưỡng năm nay liệu có kỳ vọng phục hồi?". 

Theo báo điện tử Dân trí, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua đi. Tuy nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng là phân khúc kén khách mua hơn rất nhiều. Vì vậy thị trường sẽ cần phải thêm thời gian chờ đợi. Để phát triển hiệu quả, bất động sản nghỉ dưỡng cần có sự tham gia của nhiều lĩnh vực như quản lý khách sạn, quy hoạch, kiến trúc, cảnh quan, du lịch, công nghệ xanh không phát thải, chăm sóc khách hàng...Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng muốn có thể phá "băng" thì toàn bộ quy trình nêu trên đều cần được phát triển đồng bộ, và đó không phải là chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam