Điểm báo: Giám sát để chặn lạm thu

Giám sát để chặn lạm thu; Vấn nạn xâm phạm bản quyền: Thị trường nghệ thuật bị bức tử; Phân loại rác tại nguồn: Thiếu đồng bộ, khó thành công; Cảnh báo thủ đoạn mạo danh công an tìm lại tiền cho nạn nhân bị lừa đảo ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 10/9/2023.

GIÁM SÁT ĐỂ CHẶN LẠM THU

Năm học mới 2023-2024 vừa khai giảng ít ngày, nhưng nhiều phụ huynh tại TPHCM đã lại bức xúc với việc một số trường lạm thu. Mà cũng không chỉ trong nhà trường, nạn lạm thu cũng xảy ra ở một số lĩnh vực khác.

Theo báo Đại đoàn kết, một số cơ sở giáo dục, trường học đã rậm rịch tăng các khoản thu, bao gồm nhiều khoản như đồng phục thường ngày, đồng phục học thể dục, ghế ngồi sinh hoạt ngoài sân, tiền cơ sở vật chất, chi phí nghỉ trưa máy lạnh.... Bên cạnh đó, Thanh tra TPHCM cũng phát hiện việc tổ chức các lớp dạy nghề cho người thất nghiệp và công tác quản lý, sử dụng tài chính đã chi một số nội dung cho các đơn vị, cá nhân không phải là cán bộ, nhân viên, người lao động từ Quỹ phúc lợi…. Từ việc “loạn” thu chi này, Thanh tra TPHCM xác định trách nhiệm thuộc về hiệu trưởng, giám đốc các trường, trung tâm và các cá nhân khác có liên quan theo từng thời kỳ. Đồng thời, chuyển hồ sơ, tài liệu sai phạm trong việc tổ chức các lớp dạy nghề đến cơ quan điều tra.

VẤN NẠN XÂM PHẠM BẢN QUYỀN: THỊ TRƯỜNG NGHỆ THUẬT BỊ BỨC TỬ

Ngành công nghiệp nào cũng cần phải có thị trường. Thị trường ngành công nghiệp văn hóa còn là một đặc thù - không chỉ mang yếu tố kinh tế, mà còn chứa đựng các thiết chế văn hóa - lịch sử để hình thành thương hiệu quốc gia. Thế nhưng vấn nạn xâm phạm bản quyền đã và đang triệt tiêu sáng tạo, khiến thị trường nghệ thuật mất giá trị, người tham gia mất niềm tin.

Giới chuyên gia nhận định, yếu huyệt là Việt Nam hay đề cao, thần thánh hóa các tác phẩm nghệ thuật mà không quy định đó là hàng hoá. Bởi vậy, khi bản quyền tác phẩm bị xâm phạm thì không có chế tài đủ mạnh, không thể tiến hành tiêu hủy. Từ đó không xử lý được tận gốc vấn đề nên từ năm này tới năm khác, tranh vẫn bị làm giả, ảnh vẫn bị “chôm” và thậm chí cả tác phẩm văn học hay âm nhạc bị đạo trắng trợn. Đặc biệt, nguyên nhân của hành vi xâm phạm bản quyền 82,1% do thói quen, 66,4% do nhận thức, 64,9% do môi trường số, 61,9% do chế tài xử phạt bất cập. 

PHÂN LOẠI RÁC TẠI NGUỒN: THIẾU ĐỒNG BỘ, KHÓ THÀNH CÔNG

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra những quy định mang tính đột phá, đề ra lộ trình cụ thể mang tới nhiều hơn những kỳ vọng. Nhưng để hoàn thành mục tiêu phân loại rác tại nguồn từ năm 2025, thì đây lại được đánh giá “thiếu đồng bộ, khó thành công”.

Theo quy định, việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn được thực hiện muộn nhất tới ngày 31/12/2024. Điều kiện cần là một quy chuẩn vận hành, còn điều kiện đủ là quy trình phân loại – thu gom - xử lý rác thải cũng phải được thực hiện đồng bộ. Có như vậy rác thải mới đi đúng vòng tuần hoàn mang lại lợi ích. Ở giai đoạn phân loại, Nhà nước không còn bao cấp mà người dân phải tự chi trả tiền xử lý rác thải. Khuyến khích người dân thực hiện giảm thiểu lượng rác phát sinh và phân loại rác tại nguồn để tiết kiệm tiền cho chính mình. Muốn như vậy, cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ về vốn đầu tư các dự án liên quan chất thải rắn sinh hoạt cần cụ thể và kịp thời trong bối cảnh việc thu gom và xử lý rác như nguồn tài nguyên đặc biệt khó, chưa thu hút được các nhà đầu tư tư nhân.

CẢNH BÁO THỦ ĐOẠN MẠO DANH CÔNG AN TÌM LẠI TIỀN CHO NẠN NHÂN BỊ LỪA ĐẢO

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản kết bạn, làm quen với các nạn nhân từng bị lừa đảo; đặt vấn đề kết hợp với "Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao" để hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.

Các đối tượng sử dụng hành vi lừa đảo thường tìm hiểu và dễ dàng xác định những cá nhân đang bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Sau đó, chúng xây dựng một nhân vật ảo, thiết lập liên lạc với bị hại dưới “mác” của một cá nhân, tổ chức hoặc nhân viên đáng tin cậy, đặc biệt là cơ quan an ninh mạng của Bộ Công an. Quá trình tiếp xúc, các đối tượng sử dụng ngôn ngữ khéo léo thuyết phục, và các chiến thuật để xây dựng lòng tin của bị hại; đồng thời, quả quyết rằng họ có khả năng khôi phục lại số tiền đã mất. Đây là thủ đoạn mới, các đối tượng lừa đảo khi đã nhận được tiền vào tài khoản chỉ mất 30 giây để chuyển sang các tài khoản khác, việc truy xét dòng tiền rất khó khăn nên tiền đã mất không thể có cách nào lấy lại được.

 

Truyền hình Quốc hội Việt Nam