Điểm báo 6/9: Rầm rộ lên dây cót, vì sao du lịch vẫn thất thu dịp 2/9?

Rầm rộ lên dây cót, vì sao du lịch vẫn thất thu dịp 2/9?; Nỗi lo từ bánh trung thu trôi nổi; Lãi suất giảm, doanh nghiệp có dễ tiếp cận?; Bộ Công Thương lên tiếng về việc giá điện phải “cõng” khoản lỗ của EVN;... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 6/9.

RẦM RỘ LÊN DÂY CÓT, VÌ SAO DU LỊCH VẪN THẤT THU DỊP 2/9?

Trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, ngành du lịch chỉ phục vụ khoảng 2,5 triệu lượt khách. Lượng khách giảm so với cùng kỳ năm 2022. “Rầm rộ lên dây cót, vì sao du lịch vẫn thất thu dịp 2/9?” là tiêu đề bài viết trên báo Tiền phong.

Lãnh đạo Cục du lịch quốc gia Việt Nam nhận định, tổng thu từ du lịch giảm do xu hướng du lịch của khách năm nay là thắt chặt chi tiêu, sức mua thấp, cắt giảm chi phí phương tiện công cộng. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân khiến du khách dè dặt. Tình hình du lịch dịp 2/9 không bùng nổ sớm được các chuyên gia và nhiều công ty du lịch dự đoán. Xu hướng nghỉ lễ tiết kiệm, ngắn ngày được ghi nhận ở hầu hết địa phương trong cả nước.

NỖI LO TỪ BÁNH TRUNG THU TRÔI NỔI

Mặc dù còn gần 1 tháng nữa mới đến trung thu, tuy nhiên, theo báo Đại đoàn kết, thị trường đã nở rộ nhiều loại bánh. Đáng chú ý, có những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội ngày 31.8 vừa qua đã phát hiện 960 chiếc bánh trung thu nhân trứng chảy (tên MX Lava Custard Mooncake) do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu. Trước đó, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) cũng phát hiện gần 2.000 bánh trung thu có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu. Theo nhận định của Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, bánh trung thu có lợi nhuận rất cao nên thời điểm này xuất hiện một số cơ sở sản xuất tự phát, hoạt động không phép, không bảo đảm điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm trong sản xuất.

LÃI SUẤT GIẢM, DOANH NGHIỆP CÓ DỄ TIẾP CẬN?

Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng đã hạ nhiều so với trước kia. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp có tiếp cận được hay không lại là câu chuyện khác. Bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị.

Hiện ngân hàng giữ lại những điều kiện cơ bản và có thể giảm bớt đến 50%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải được hỗ trợ về đầu ra để có nguồn thu trả nợ ngân hàng. Vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất, ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay cũ, đặc biệt các khoản vay từ quý III, IV/2022 để chia sẻ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Theo Kinh tế và Đô thị, bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải tích cực tham gia, tái cấu trúc hoạt động để phù hợp với bối cảnh thị trường.

BỘ CÔNG THƯƠNG LÊN TIẾNG VỀ VIỆC GIÁ ĐIỆN PHẢI “CÕNG” KHOẢN LỖ CỦA EVN

Trước những nhận định của chuyên gia kinh tế về việc giá điện phải "gánh" khoản lỗ về tỉ giá của EVN là không phù hợp, Bộ Công Thương cho rằng, giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận phù hợp. Bài viết trên báo Lao động.

Chi phí mua điện tăng cao, nhưng giá bán lẻ điện được giữ ổn định, dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 lỗ hơn 26 nghìn tỉ đồng. Báo Lao động trích dẫn, giá nhiên liệu năm 2023 tuy đã bớt căng thẳng so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước 2022, gây ảnh hưởng lớn đến cân bằng tài chính của EVN. Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 ở mức 3% từ ngày 4.5 (mức tăng thấp nhất theo quy định), Cục Điều tiết Điện lực giải thích là để đảm bảo tác động đến kinh tế vĩ mô, sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của người dân là nhỏ nhất.

Thùy Trang