Điểm báo: Người dân thờ ơ với quy định phạt nguội hút thuốc lá nơi công cộng

Phạt nguội hút thuốc lá nơi công cộng: Người dân còn thờ ơ; Phát triển vận tải thuỷ để tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; Gìn giữ những “lá phổi xanh” của thủ đô; Nỗ lực lấp khoảng trống thiết bị dạy học ... là những tin tức đáng chú ý trên các mặt báo sáng 31/8/2022.

PHẠT NGUỘI HÚT THUỐC LÁ NƠI CÔNG CỘNG: NGƯỜI DÂN CÒN THỜ Ơ

Trên trang nhất báo đại đoàn kết số ra sáng nay đưa tin, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã quy định cụ thể các chế tài, nhưng đến nay, tình trạng vi phạm hút thuốc lá tại nơi công cộng vẫn diễn ra phổ biến. Vì vậy, nhiều chuyên gia thống nhất quan điểm rằng, cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra việc thực hiện Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, cho phép sử dụng công nghệ giám sát để xử phạt người vi phạm. 

Những năm qua, cùng với việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tình trạng hút thuốc lá thụ động ở các địa điểm công cộng đã giảm một cách rõ rệt, từ 6 - 13%, tuy nhiên tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động vẫn còn cao. Để giải quyết tình trạng này, tới đây các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, theo dõi việc thực thi xây dựng môi trường không khói thuốc ở các điểm cấm, cho phép sử dụng hoặc công nghệ giám sát để tiến hành xử phạt người vi phạm; xử phạt nguội các hành vi vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá. 

PHÁT TRIỂN VẬN TẢI THUỶ ĐỂ TĂNG SỨC CẠNH TRANH CỦA NỀN KINH TẾ

Phát triển vận tải thủy sẽ góp phần giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, vận tải được nhiều loại hàng có khối lượng lớn từ đó tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế... Đây cũng là phương thức vận tải có tính xã hội hóa cao vì nhiều thành phần kinh tế có thể tham gia đầu tư, kinh doanh và khai thác. 

Theo bài viết đăng tải trên Thời báo tài chính, Cục Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) Việt Nam cho biết Hiện nay, việc đầu tư phát triển vận tải đường thuỷ nội đô của khu vực đồng bằng sông Hồng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Hệ thống cảng ĐTNĐ nhiều thập niên đã qua vẫn không tăng thêm hay nâng cấp. Phương tiện ĐTNĐ lạc hậu. Công tác đầu tư cải tạo luồng, tuyến chậm chạp, manh mún. Vì vậy, trước hết, khẩn trương hoàn thiện, cụ thể hóa quy hoạch hạ tầng ĐTNĐ trên địa bàn thành phố; đồng thời rà soát, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy hoạch có liên quan đang được triển khai, đảm bảo đồng bộ với quy hoạch ĐTNĐ. Việc quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông thủy tại khu vực đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL một cách đồng bộ để phát huy triệt để tiềm năng lợi thế của khu vực này luôn là vấn đề cấp thiết. 

GÌN GIỮ NHỮNG “LÁ PHỔI XANH” CỦA THỦ ĐÔ 

Hà Nội vốn là một đô thị có hệ thống sông, hồ đan xen tạo nên bản sắc riêng biệt, tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm qua đã gây sức ép lớn cũng như phát sinh ô nhiễm môi trường tại các “lá phổi xanh”. Thông tin được đăng tải trên báo Kinh tế và đô thị số ra sáng nay. 

Trong số những giải pháp bảo vệ môi trường, việc cải thiện và phục hồi sông, hồ được cho là cần sớm triển khai. Bên cạnh đó, ở nhiều khu vực, rác thải sinh hoạt chất đầy ở cả hai bên bờ khiến cả mặt và lòng sông đều chịu nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân cũng như nguy hại về sức khỏe. Đặc biệt, tại các quận nội đô có diện tích chật chội nhưng dân số đông đúc, thách thức càng lớn hơn. Trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực, đòi hỏi TP Hà Nội phải có nhiều chính sách, giải pháp đột phá, đánh dấu giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu cao nhất về cải thiện chất lượng môi trường. 

NỖ LỰC LẤP KHOẢNG TRỐNG THIẾT BỊ DẠY HỌC

Cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy góp phần quan trọng vào thành công, hiệu quả dạy học. Tuy nhiên trong bối cảnh khó khăn chung, nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp, thiết bị về trường chậm so với lịch giảng dạy... buộc các trường phải chủ động tháo gỡ để đảm bảo điều kiện dạy học tối thiểu. Thông tin đăng tải trên báo Giáo dục và thời đại. 

Thiếu và chậm thiết bị dạy học khi bước vào năm học mới không còn là vấn đề mới nên hầu hết các trường đã chủ động tháo gỡ theo nhiều cách và trong điều kiện của nhà trường để đảm bảo triển khai dạy học. Cụ thể, một số trường cũng thực hiện tiết kiệm chi để có nguồn kinh phí đủ mua sắm thiết bị dạy học hiện đại. Ban giám hiệu, giáo viên cũng tích cực vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ vật chất hoặc thiết bị dạy học theo yêu cầu thực tế nhà trường... Tuy nhiên, dù một số trường đã sẵn sàng thiết bị dạy học và giải pháp tháo gỡ thiết bị còn thiếu song nhiều giáo viên cho biết việc cấp phát thiết bị dạy học về trường thường chậm hơn nhiều thời điểm triển khai dạy học.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam