Điểm báo: Nhiều doanh nghiệp Việt "sập bẫy" lừa đảo thương mại quốc tế

Nhiều doanh nghiệp Việt "sập bẫy" lừa đảo thương mại quốc tế; Phần mềm mô phỏng lái xe đạt yêu cầu, vì sao phải điều chỉnh? Vì sao vắng bóng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới? … là những tin có trong điểm báo sáng 30/1.

NHIỀU DOANH NGHIỆP VIỆT "SẬP BẪY" LỪA ĐẢO THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ

Mở đầu chuyên mục điểm báo là bài viết trên Thời báo Tài chính Việt Nam với nội dung việc nhiều doanh nghiệp Việt "sập bẫy" lừa đảo thương mại quốc tế.

Theo Bộ Công Thương, gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã gặp rủi ro khi kinh doanh xuất khẩu với các đối tác tại thị trường Âu - Mỹ. Lý do dẫn đến tình trạng doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo thương mại quốc tế là bởi doanh nghiệp có xu hướng chủ quan, sơ hở trong tiếp cận, soạn thảo điều khoản hợp đồng. Dù nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đứng hàng đầu thế giới, nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu kinh nghiệm về tranh chấp thương mại quốc tế. Do đó khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam khi nhận được những đề nghị kỳ lạ, doanh nghiệp cần xác minh rõ ràng thông tin của đối tác, không nên vội tin vào những lời mời chào hấp dẫn.

PHẦN MỀM MÔ PHỎNG LÁI XE ĐẠT YÊU CẦU, VÌ SAO PHẢI ĐIỀU CHỈNH?

 Bộ Giao thông Vận tải vừa có phản hồi về kiến nghị của cử tri tỉnh Đồng Nai liên quan đề xuất bãi bỏ tổ chức thi mô phỏng đối với bằng lái xe ô tô. Thông tin đáng chú ý trên báo Tiền phong.

Theo Bộ GTVT, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông giúp người học nhận biết, phát hiện các tình huống mất an toàn giao thông. Hiện tỷ lệ học viên đạt yêu cầu nội dung sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đạt trên 80%. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, sẽ giao Cục Đường bộ Việt Nam điều chỉnh, cập nhật một số tình huống phù hợp thực tế, điều chỉnh thời gian nhận biết để người học dễ dàng tiếp thu, xử lý. Cũng chia sẻ tại bài viết, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho biết, sau khi Bộ GTVT áp dụng phần mềm mô phỏng vào nội dung thi, các thành viên hiệp hội đều không đồng tình do phát sinh hàng loạt vấn đề thiếu thực tiễn.

VÌ SAO VẮNG BÓNG THƯƠNG HIỆU NÔNG SẢN VIỆT TRÊN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI?

Dù Việt Nam đạt được những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu với nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, cà phê, cao su, tôm..., song hầu hết các sản phẩm này được xuất khẩu và bán ở thị trường nước ngoài dưới thương hiệu không phải của doanh nghiệp Việt.

Theo bài viết trên báo Kinh tế và Đô thị, hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu nông sản. Thông qua công tác tuyên truyền và các chương trình ở các bộ, ngành và địa phương, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu nông sản, nhưng việc phát triển các thương hiệu mạnh (ở cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, vùng và địa phương) đều còn hạn chế. Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản đảm bảo phù hợp với các chủ trường, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan và phù hợp với quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam