Điểm báo: Nhức nhối nạn mạo danh ngân hàng để lừa đảo

Nhức nhối nạn mạo danh ngân hàng để lừa đảo; Cách nào để xe vi phạm hết cảnh chất đống, phơi mưa nắng?; Bất động sản đang nóng dần?; Nhiều giải pháp ngăn chặn doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế;... là những tin tức nổi bật có trong điểm báo ngày 5/4.

NHỨC NHỐI NẠN MẠO DANH NGÂN HÀNG ĐỂ LỪA ĐẢO

Tờ Kinh tế và Đô thị cho biết, tình trạng lừa đảo, mạo danh ngân hàng không mới, đã từng được ngân hàng, cơ quan công an cảnh báo tới khách hàng nhưng vẫn tiếp tục gia tăng trở lại. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao thông qua những ứng dụng, website giả, nhái sử dụng tên gọi, logo, giao diện, địa chỉ truy cập gần giống như ứng dụng của các tổ chức tín dụng được cấp phép nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan công an, trung bình mỗi ngày các đối tượng phát tán thành công từ 40.000 đến 80.000 tin nhắn trên một bộ thiết bị. Các thiết bị có thể tùy chỉnh giả mạo đầu số tin nhắn của bất cứ cơ quan tổ chức cá nhân nào. Đây là đường dây tội phạm có tính chất chuyên nghiệp, xuyên quốc gia. Công an khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay vốn nên liên hệ trực tiếp tới các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được hướng dẫn làm thủ tục. kKhi vay vốn qua các trang mạng, người dân cần tìm hiểu kỹ đơn vị cho vay và tuyệt đối không làm theo yêu cầu của các đối tượng, chuyển bất cứ khoản phí hay là bảo lãnh khoản vay nào. Đặc biệt, người dân tuyệt đối không bấm vào đường link trong tin nhắn và thông báo ngay cho ngân hàng thông qua số hotline và cơ quan công an nơi gần nhất.

CÁCH NÀO ĐỂ XE VI PHẠM HẾT CẢNH CHẤT ĐỐNG, PHƠI MƯA NẮNG? (BÁO GIAO THÔNG)

Ngày càng nhiều người vi phạm giao thông bỏ xe, không đến giải quyết, khiến bãi giữ xe quá tải. Hàng nghìn chiếc xe phơi mưa nắng nên hỏng hóc, bán đấu giá chỉ vài trăm nghìn đồng... Làm cách nào để chấm dứt sự lãng phí này?

Theo báo Giao thông, nguyên nhân người vi phạm không đến làm thủ tục để nhận xe, chủ yếu vẫn là mức phạt tương đương, thậm chí cao hơn giá trị xe. Ngoài ra, còn do nguyên nhân một số xe vi phạm không đủ các loại giấy tờ theo quy định, xe đã bị thay đổi kết cấu. Đồng thời, một trong những nguyên nhân khiến người vi phạm bỏ xe là để không bị tước GPLX. Về giải pháp ngăn chặn, công an cho rằng cần phải áp dụng công nghệ số trong quản lý GPLX, căn cước công dân và các giấy tờ liên quan khác. Tất cả dữ liệu của người dân như: GPLX, CCCD sẽ được tích hợp vào hệ thống, sau đó CSGT sẽ tra cứu và biết được đầy đủ thông tin của người vi phạm, ngăn tình trạng bỏ xe. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh quá trình thanh lý xe vi phạm theo hướng rút ngắn thủ tục và thời gian thanh lý phương tiện từ 1 năm hiện nay xuống còn 3 - 4 tháng đối với phương tiện không xác định được chủ sở hữu.

BẤT ĐỘNG SẢN ĐANG NÓNG DẦN? (ĐẠI ĐOÀN KẾT)

Đã qua quý I/2023 nhưng thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng trầm lắng. Tuy nhiên, nhiều thông tin tích cực như ngân hàng hạ lãi suất, thúc đẩy đầu tư công, gói hỗ trợ lãi suất 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội chính thức triển khai... được kỳ vọng sẽ kích thị trường nhà đất tan băng. Thông tin đăng tải trên mục Kinh tế - Xã hội, báo Đại đoàn kết.

Những động thái của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thời gian qua đã tạo tâm lý tích cực hơn cho thị trường bất động sản, phần nào lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để các giải pháp sớm được hiện thực hóa, ngoài nỗ lực của DN, cơ quan quản lý nhà nước cần phải quyết liệt hơn nữa. Theo giới chuyên gia ngành địa ốc, việc tháo gỡ vướng mắc về pháp lý khi các Luật định được ban hành, nguồn room tín dụng mới cùng với động thái chỉ đạo quyết liệt hỗ trợ bình ổn thị trường bất động sản từ Chính phủ... sẽ là những lực đẩy để phá tan sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần tạo thuận lợi cho các  doanh nghiệp và tạo hành lang pháp lý thông thoáng để dự án có thể thực hiện nhanh chóng. Việc này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và tăng lợi ích của người tiêu dùng.

NHIỀU GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN DOANH NGHIỆP CHÂY Ỳ NỢ THUẾ (THỜI BÁO TÀI CHÍNH VIỆT NAM)

Thời báo tài chính Việt Nam sáng 5/4 có bài viết, lợi dụng chính sách ưu đãi, nhiều doanh nghiệp đã trốn thuế, gian lận thuế, gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước, khiến số nợ xấu do ngành Hải quan quản lý gia tăng mỗi năm. Nhiều giải pháp ngăn chặn doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế đã được đưa ra.

Để đảm bảo việc thực hiện theo dõi và quản lý nợ thuế, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện rà soát, kiểm tra hoàn thiện hồ sơ phân loại các khoản nợ đang được theo dõi tại đơn vị và phân loại nợ theo hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế và khoản thu khác đối với hàng hóa XNK. Theo đại diện Cục thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, mục đích của quy trình quản lý nợ nhằm thường xuyên rà soát các nhóm nợ đảm bảo việc phân loại nợ theo đúng bản chất nhóm nợ, đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định. Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của công chức quản lý nợ tại các cấp từ lúc phát sinh nợ cho đến bước cuối cùng là xử lý xong khoản nơ (thu hồi hoặc khoanh, xóa nợ).