Điểm báo quốc tế 15/02: Biểu tình kéo dài buộc Canada áp dụng đạo luật khẩn cấp

Canada lần đầu tiên trong lịch sử, áp dụng Đạo luật về các trường hợp khẩn cấp để đối phó với các cuộc phong tỏa, biểu tình đang diễn ra trên khắp nước này; phân tích của báo chí quốc tế về căng thẳng Nga – phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine hay tham vọng trở thành cường quốc về giáo dục của Trung Quốc...Những thông tin điểm báo đáng chú ý sẽ có trong bản tin Điểm báo quốc tế.

CANADA ÁP DỤNG ĐẠO LUẬT KHẨN CẤP

Chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau lần đầu tiên trong lịch sử, áp dụng Đạo luật về các trường hợp khẩn cấp để đối phó với các cuộc phong tỏa, biểu tình chống lại các hạn chế nhằm kiểm soát đại dịch, đang diễn ra trên khắp cả nước.

Hãng tin CNN dẫn phát biểu của Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định, “Động thái này là nhằm đảm bảo an toàn cho người dân Canada, bảo vệ công ăn việc làm của người dân và khôi phục niềm tin vào các thể chế của Canada”. Việc thực thi chưa từng có tiền lệ của Đạo luật về các trường hợp khẩn cấp mang lại cho cảnh sát nhiều công cụ hơn để lập lại trật tự ở những tụ điểm công cộng, nơi đang diễn ra các hoạt động bất hợp pháp và nguy hiểm, chẳng hạn như phong tỏa và chiếm đóng, thậm chí đạo luật này cũng cho phép sử dụng quân đội trong trường hợp cần thiết. Theo CNN, trong gần 1 tuần qua, những người biểu tình đã phong tỏa cây cầu nối Windsor, Ontario và Detroit - cắt đứt tuyến đường thương mại quan trọng và giáng đòn kinh tế lên cả Mỹ và Canada.

NHẬT BẢN  TĂNG CƯỜNG AN NINH KINH TẾ 

Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ đệ trình một dự luật mới lên Quốc hội vào cuối tháng này. Nội dung là tăng cường an ninh kinh tế của đất nước, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu tiếp tục chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch covid-19. Đây là nội dung một bài đăng trên tờ The Japan Times.

Bài viết dẫn lời của Thủ tướng Fumio Kishida nhận định, đảm bảo an ninh kinh tế là vấn đề cấp bách của Nhật Bản. Theo tác giả bài viết, dự luật tăng cường an ninh kinh tế sẽ bao gồm các quy tắc mới, với mục đích ngăn chặn tình trạng rò rỉ thông tin nhạy cảm và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Dự luật an ninh kinh tế bao gồm 4 trụ cột: Tăng cường an ninh cho cơ sở hạ tầng quan trọng, Thúc đẩy sự ổn định của chuỗi cung ứng, Tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác công tư về phát triển công nghệ tiên tiến, Ngăn chặn tình trạng rò rỉ bằng sáng chế về các công nghệ nhạy cảm. Tuy nhiên, bài viết cho rằng, các hạn chế mới này sẽ làm dấy lên mối lo ngại trong giới lãnh đạo doanh nghiệp

 

Nhật Bản vì nó có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh.

TRUNG QUỐC THAM VỌNG TRỞ THÀNH CƯỜNG QUỐC GIÁO DỤC

"Trung Quốc tham vọng trở thành cường quốc về giáo dục” – là tiêu đề một bài viết vừa đăng sáng nay trên tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Kế hoạch của Trung Quốc là phát triển các trường đại học và các ngành học, hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc về giáo dục vào năm 2035, nhằm hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Bài viết lấy dẫn chứng, Trung Quốc dự kiến sự phát triển 147 trường đại học và hơn 300 ngành thuộc đủ lĩnh vực, từ khoa học-kỹ thuật đến khoa học xã hội, lọt vào tốp đầu của thế giới vào năm 2030. Mục tiêu lớn nhất của kế hoạch đầy tham vọng này là phát triển nhân tài cho đất nước, tăng cường khả năng cạnh tranh của Bắc Kinh trên trường quốc tế, phục vụ các nhu cầu chiến lược quốc gia và khuyến khích nghiên cứu đa ngành, trong đó, chính phủ sẽ tăng cường đầu tư vào các môn khoa học và đa ngành mới. Theo đó, Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh sẽ là những trường tiên phong thực hiện kế hoạch này.

TỶ PHÚ NGƯỜI MỸ VÀ THAM VỌNG CHINH PHỤC KHÔNG GIAN

Với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, ước mơ chinh phụ vũ trụ của con người đang dần trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong một bài viết mới đây, hãng tin Channel News Asia tiết lộ, tỷ phú, ông trùm thương mại điện tử người Mỹ - Jared Isaacman, dự kiến sẽ hợp tác với SpaceX để thực hiện thêm 3 sứ mệnh đưa con người vào không gian.

   

Bài viết dẫn lời của tỷ phú Isaacman cho biết, sứ mệnh mới này sẽ nhằm thúc đẩy các chuyến bay thương mại đưa con người khám phú vũ trụ, đồng thời thử nghiệm hệ thống liên lạc dựa trên laser của mạng vệ tinh Starlink của SpaceX. Nếu thành công, sứ mệnh ​​này sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng khác trong quá trình thương mại hóa các chuyến du hành không gian, nơi mà từ lâu việc khám phá của con người là lĩnh vực duy nhất của các phi hành gia chuyên nghiệp. Trước đó hồi tháng 9 năm ngoái, tỷ phú Isaacman đã làm nên lịch sử, khi là một trong 4 hành khách trong chuyến bay thương mại đầu tiên vào vũ trụ mang tên "Inspiration4".

KHỦNG HOẢNG UKRAINE LIỆU CÓ SỚM KẾT THÚC?

Căng thẳng Nga – phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine liên tục là tiêu điểm của báo chí quốc tế trong suốt nhiều ngày qua. Những phân tích, đánh giá, nhận định chuyên sâu về vấn đề này đã được các hãng tin lớn đăng tải. Và cuộc khủng hoảng Ukraine liệu có kết thúc sớm hay không? Đây là câu hỏi được đặt ra khá nhiều trên các trang báo lớn. 

Với tiêu đề Tại sao Các cuộc đàm phán về Ukraine liên tục thất bại? Tác giả một bài viết trên tờ Foreign Policy lí giải, điều này không nằm ở vấn đề giữa Mátxcơva và Ki-ép mà là ở mối quan hệ Nga-phương Tây. Bắt đầu từ cách giải thích khác nhau giữa Nga và phương Tây từ nguồn gốc cuộc xung đột ở Ukraine hồi năm 2014. 

Bài viết cho rằng, yếu tố phức tạp nhất trong quá trình hòa giải thông qua cả 2 cơ chế là Nhóm liên lạc ba bên và Nhóm bộ Tứ Normandy là xung quanh vai trò của Nga trong cuộc xung đột Ukraine. 

Bài viết kết luận, trong bối cảnh mối quan hệ Ukraine với phương Tây ngày càng được củng cố, điều này đặt ra mối lo ngại cho Nga, và buộc chính quyền tổng thống Putin phải xác định lại cấu trúc an ninh của châu Âu. Điều này cũng có thể giải thích lý do tại sao Nga huy động quân đội áp sát Ukraine, không nhất thiết chỉ nhằm mục đích là can thiệp quân sự vào Ukraine mà là để buộc phương Tây điều chỉnh lại mối quan hệ và chính sách của họ đối với khu vực thuộc liên xô cũ.

“4 bước hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine” – đây là tiêu đề của 1 bài viết trên trang mạng Politico. Bài viết dẫn khuyến nghị của 2 nhà phân tích chính trị của Nga và Mỹ cho rằng, đầu tiên là các bên cần kiềm chế các hoạt động quân sự, thứ hai là các bên phải tìm ra một cách thức để đi tới 1 nhận thức chung rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO trong nhiều năm tới, thứ 3 là giải quyết những xung đột có từ trong quá khứ giữa Nga và phương tây trong nhiều vấn đề như Crưm và Donbas.

Và cuối cùng là làm mới Hiệp định Helsinki, điều này sẽ tạo ra sự dàn xếp toàn diện, đặt nền tảng cho hòa bình trong nhiều thập kỷ ở châu Âu

Những thông tin điểm báo đáng chú ý sẽ có trong bản tin, xin mời quý khán thính giả theo dõi trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và trang chủ Quochoitv.vn

Đinh Giang