Điểm báo quốc tế 2/9: Mỹ hạn chế xuất khẩu chip điện tử sang Trung Quốc

Những nội dung đáng chú ý trên báo chí quốc tế gồm Tập đoàn Gazprom thu lợi nhuận kỷ lục; Đồng bảng Anh giảm mạnh từ sau Brexit; Đài Loan (Trung Quốc) cần thêm 400.000 lao động nước ngoài; Bang California, Mỹ ứng phó biến đổi khí hậu; Mỹ hạn chế xuất khẩu chip điện tử sang Trung Quốc.

TẬP ĐOÀN GAZPROM THU LỢI NHUẬN KỶ LỤC

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã thu lợi nhuận kỷ lục trong 6 tháng đầu năm nay, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến xung đột ở Ukraine.

Báo The Guardian đưa tin, Gazprom đã báo cáo lợi nhuận ròng 2.500 tỷ rúp (khoảng 40 tỷ USD) trong 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao do lo ngại về nguồn cung sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nhà nước sở hữu 49,3% cổ phần của Gazprom. Do đó, Chính phủ Nga sẽ được chia lợi nhuận 1,210 tỷ rúp (gần 20 tỷ USD).

ĐỒNG BẢNG ANH GIẢM MẠNH TỪ SAU BREXIT

Thị trường trái phiếu và chứng khoán của Vương quốc Anh đã trượt dốc mạnh trong tháng 8 vừa qua và đồng bảng Anh cũng lao dốc do những xáo trộn về kinh tế và chính trị. Thông tin được tờ Financial Times đăng tải.

Đồng bảng Anh đã giảm 4,5% trong tháng 8 vừa qua, theo đó 1 bảng Anh đổi 1,16 USD. Đây là mức giảm hằng tháng mạnh nhất so với đồng USD kể từ sau Brexit năm 2016. Sự sụt giảm của đồng bảng Anh trong tháng 8 phản ánh triển vọng xấu đi của nền kinh tế Anh khi cuộc khủng hoảng năng lượng giáng một đòn mạnh vào các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

MỸ HẠN CHẾ XUẤT KHẨU CHIP ĐIỆN TỬ SANG TRUNG QUỐC

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden vừa tiếp tục ngăn việc chuyển giao một số chip máy tính hàng đầu cho Trung Quốc. Động thái này được xem là nỗ lực nhằm hạn chế sự tiến bộ của đối thủ trong lĩnh vực máy tính hiệu suất cao và trí tuệ nhân tạo. Báo chí thế giới đã có một số bài viết quanh bước đi này của Mỹ.

Bài viết trên báo New York Times cho hay, lệnh hạn chế mới ảnh hưởng tới các mẫu chip cao cấp, cụ thể là bộ xử lý đồ hoạ hay GPU, do các công ty Nvidia và AMD ở thung lũng Silion bán ra. Những sản phẩm này ban đầu được phát triển để hiển thị hình ảnh trong trò chơi điện tử, nhưng trong thập kỷ vừa qua, nó được sử dụng trong các siêu máy tính lớn để nhận dạng giọng nói và các đối tượng trong ảnh. Ndivia cho biết chính phủ liên bang sẽ yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với 2 mẫu chip cao cấp này, nhằm đảm bảo chúng không được sử dụng hoặc chuyển hướng sang mục đích quân sự ở Trung Quốc và Nga. Về phía Trung Quốc, bài viết cho hay, Bộ Thương mại nước này cảnh báo động thái này sẽ “cản trở sự trao đổi khoa học và công nghệ quốc tế, hợp tác kinh tế, và tác động tới sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghệ toàn cầu, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới”. Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lên tiếng phản ứng. Bài viết chỉ rõ, các công ty sản xuất công cụ hoặc phần mềm thiết kế khác cũng đã nhận được thư tương tự trong thời gian gần đây, rằng các công nghệ cao cấp sẽ bị hạn chế xuất sang Trung Quốc.

“Các biện pháp kiểm soát của Mỹ đối với công nghệ chip của Trung Quốc sẽ không hiệu quả nếu thắt chặt quá mức.”. Đây là nhan đề của một bài viết trên báo Nikkei Asia. Ngoài lệnh hạn chế xuất khẩu mới, bài viết có đề cập tới Đạo luật Khoa học và CHIPS trị giá 280 tỷ USD, và đề xuất cấm xuất khẩu đối với các công cụ phần mềm EDA. Mặc dù đạo luật này thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước, nhưng lại hạn chế quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với các công nghệ sản xuất chip của Mỹ. Tác giả bài viết cho rằng các biện pháp kiểm soát của Mỹ có thể sẽ chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn, đặc biệt khi ngành công nghiệp chất bán dẫn đang đi vào một cuộc suy thoái trong bối cảnh hoạt động kinh tế toàn cầu đang chậm lại.