Điểm báo quốc tế ngày 29/4: Mỹ ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO

Mỹ ủng hộ Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO; Bỉ tìm phương án xử lý chất thải hạt nhân; Bắc Kinh (Trung Quốc) đóng cửa trường học để chống Covid-19; Thái Lan chưa bỏ thẻ thông hành Thailand Pass; Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu than về 0 ... là những tin tức quốc tế đáng chú ý trên các mặt báo ngày 29/4/2022.

MỸ ỦNG HỘ THỤY ĐIỂN VÀ PHẦN LAN GIA NHẬP NATO

Mỹ sẽ ủng hộ mạnh mẽ nếu Thuỵ Điển và Phần Lan lựa chọn tham gia NATO. Tuyên bố được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ.  

Mỹ đã từ lâu tuyên bố ủng hộ chính sách mở cửa đối với NATO. Tuy nhiên, trong quá khứ, Mỹ không muốn tạo ấn tượng rằng họ đang cố gắng lôi kéo Thụỵ Điển và Phần Lan gia nhập NATO. The Washington Post dẫn đánh giá cho rằng, tuyên bố trên của ông Blinken có thể gây ra phản ứng từ phía Nga. Moscow gần đây doạ chuyển vũ khí hạt nhân và siêu thanh tới biên giới Thuỵ Điển - Phần Lan, nếu các nước này lựa chọn gia nhập NATO. 

BỈ TÌM PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ CHẤT THẢI HẠT NHÂN

Bỉ đang tìm kiếm các phương án để xử lý chất thải hạt nhân có lượng phóng xạ cao, vốn có thể tồn tại hàng trăm nghìn năm. Người dân Bỉ được kêu gọi đóng góp ý kiến về vấn đề này.

The Brussels Times đưa nhận định của Bộ trưởng Năng lượng Bỉ. Theo đó, “Việc chôn lấp chất thải hạt nhân của Bỉ sẽ là dự án dài nhất, tốn kém nhất và khó khăn nhất”. Phương pháp xử lý đang được xem xét là xây dựng một mạng lưới hành lang ngầm dài 23–60 km dưới lòng đất. Phương án này ước tính sẽ tiêu tốn 40 tỷ euro. Bỉ đang chịu áp lực từ các tổ chức quốc tế trong việc tìm giải pháp xử lý chất thải hạt nhân của mình. 

BẮC KINH ĐÓNG CỬA TRƯỜNG HỌC ĐỂ CHỐNG COVID-19

Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc đã đóng cửa tất cả các trường học trong thành phố trong nỗ lực ngăn chặn đợt bùng phát Covid-19 trên diện rộng tại đây. 

Theo Fox News, Sở Giáo dục Bắc Kinh đã yêu cầu tất cả các trường dừng việc học từ ngày hôm nay. Cơ quan này cho biết, họ chưa xác định khi nào việc học sẽ được tiếp tục trở lại. Học sinh hiện chiếm hơn 30% tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Bắc Kinh, với các cụm lây nhiễm liên quan đến 6 trường học và 2 nhà trẻ ở quận Triều Dương của thành phố. 

THÁI LAN CHƯA BỎ THẺ THÔNG HÀNH THAILAND PASS

Chính phủ Thái Lan cho biết, vẫn chưa hủy bỏ yêu cầu đăng ký thẻ thông hành Thái Lan (Thailand Pass) đối với du khách nước ngoài. Tuy nhiên, việc này sẽ được thực hiện một cách thuận tiện và nhanh chóng hơn.

Theo Bangkok Post, kể từ 1/5, 2 yêu cầu phải đặt trước khách sạn cách ly và xét nghiệm PCR sẽ được bãi bỏ. Điều này giúp quy trình đăng ký thẻ thông hành Thái Lan rút ngắn thời gian. Nhà chức trách Thái Lan cho biết, Trung tâm Quản lý Tình huống Covid-19 sẽ theo dõi tình hình thường xuyên. Nếu tình hình được cải thiện, các quy tắc nhập cảnh dự kiến sẽ được nới lỏng hơn nữa.

TRUNG QUỐC GIẢM THUẾ NHẬP KHẨU THAN VỀ 0

Bộ Tài chính Trung Quốc vừa thông báo bỏ thuế nhập khẩu than từ ngày 1/5-  31/3/2023. Trong khi nhiều nước đang giảm sử dụng than đá, vì sao Trung Quốc lại tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc nhập khẩu than? Động thái này đã được một số trang báo phân tích.  

Theo Global Times, Trung Quốc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh năng lượng sau khi cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá cả hàng hóa toàn cầu lên cao. Các quan chức cho biết, nước này có kế hoạch tăng công suất than lên 300 triệu tấn trong năm nay, để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng sau một cuộc khủng hoảng điện năm ngoái và hạ giá than. Các chuyên gia Trung Quốc cho biết, động thái này dự kiến sẽ đảm bảo tiếp tục cung cấp than của Trung Quốc và đặc biệt là giúp ổn định giá than trong nước, vốn đã có xu hướng tăng.

Theo Guardian, việc sử dụng than dường như đang suy giảm trong dài hạn trước đại dịch Covid-19, nhưng các đợt phong tỏa trên khắp thế giới và biến động kinh tế đã thúc đẩy sự gia tăng các dự án than mới vào năm 2020, đặc biệt là ở Trung Quốc. Bài viết cho hay "Trung Quốc đã đưa vào vận hành nhiều nhà máy nhiệt điện than mới hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại kể từ khi nổ ra đại dịch Covid-19".

Còn theo The Diplomat, Trung Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời, nhưng các nhà lãnh đạo nước này đang kêu gọi tăng cường đốt than nhiều hơn sau khi tăng trưởng kinh tế suy giảm vào năm ngoái và tình trạng thiếu hụt than đã gây ra mất điện và các nhà máy ngừng hoạt động. Bài viết trên The Diplomat nhận định: Việc Trung Quốc sử dụng nhiều than hơn có thể là trở ngại đối với mục tiêu cắt giảm khí thải của nước này.

Vân Hương