Điểm tin quốc tế 25/6: Đẩy nhanh công tác cứu trợ sau động đất tại Afghanistan

Quốc hội Mỹ thông qua dự luật kiểm soát súng đạn; Eu giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Nga; Brics thúc đẩy kỷ nguyên phát triển toàn cầu mới; Khủng hoảng lương thực đe dọa toàn cầu; Đẩy nhanh công tác cứu trợ sau động đất tại Afghanistan; Thử nghiệm robot trên sườn núi lửa... là những tin tức quốc tế tối ngày 25/6.

QUỐC HỘI MỸ THÔNG QUA DỰ LUẬT KIỂM SOÁT SÚNG ĐẠN 

Hôm nay (25/6), Quốc hội Mỹ đã chính thức thông qua dự luật kiểm soát súng đạn được đánh giá là quan trọng nhất trong hàng thập kỷ qua, trong bối cảnh nước này thời gian gần đây rúng động vì các vụ xả súng đẫm máu. Dự luật đã được trình lên và theo dự kiến sẽ được Tổng thống Joe Biden nhanh chóng ký thành luật.

Với 234 phiếu thuận và 193 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua "Đạo luật Cộng đồng An toàn hơn" dài 80 trang về kiểm soát súng đạn. Trước đó, Thượng viện Mỹ cũng đã bỏ phiếu thông qua dự luật này với tỷ lệ 65 phiếu thuận và 33 phiếu chống. 

Hạ nghị sỹ JIM MCGOVERN: “Đây là một khoảnh khắc lịch sử. Chúng ta đang ở ngưỡng cửa thông qua một cuộc đại tu đầu tiên đối với luật an toàn súng liên bang trong nhiều thập kỷ. Dự luật này sẽ giúp cứu sống nhiều người và nó xảy ra ở một thời điểm quan trọng khi người dân Mỹ đang đòi hỏi chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để ngăn chặn bạo lực súng đạn.” 

“Đạo luật Cộng đồng An toàn hơn” bao gồm các nội dung như: chi hàng triệu USD cho vấn đề sức khỏe tâm thần, an toàn trường học, các chương trình can thiệp khủng hoảng và khuyến khích các bang đưa hồ sơ vị thành niên vào Hệ thống Kiểm tra lý lịch hình sự quốc gia. Dự luật cũng đưa ra những thay đổi đáng kể về quy định mua súng đối với các đối tượng ở độ tuổi từ 18 đến 21.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ NANCY PELOSI: “Đạo luật lưỡng đảng vì cộng đồng an toàn hơn bao gồm những bước mạnh mẽ để cứu mạng sống, không chỉ khỏi các vụ xả súng hàng loạt kinh hoàng mà còn khỏi các vụ thảm sát hàng ngày mà tội phạm dùng súng tự sát và tai nạn thương tâm gây ra.”

Kiểm soát súng đạn từ lâu đã trở thành vấn đề gây rẽ tại Mỹ. Do đó, dự luật này được đánh giá là một nỗ lực mang tính liên bang mới quan trọng nhất nhằm giải quyết nạn bạo lực súng đạn kể từ khi lệnh cấm vũ khí tấn công có hiệu lực trong 10 năm hết hạn vào năm 1994. Dự luật được đưa ra sau khi xảy ra vụ xả súng đẫm máu tại một trường tiểu học ở bang Texas, và tại một siêu thị ở thành phố Buffalo, bang New York, gây rúng động nước Mỹ.

EU GIẢM SỰ PHỤ THUỘC VÀO NĂNG LƯỢNG HÓA THẠCH CỦA NGA

Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) khẳng định, “thời kỳ năng lượng giá rẻ đã chấm dứt”, đồng thời nhất trí sẽ giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hoá thạch của Nga.

Sau 2 ngày họp, Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) đã thống nhất một số bước cụ thể và giao nhiệm vụ cho Ủy ban Châu Âu (EC) tìm nhiều cách hơn để đảm bảo "nguồn cung khí đốt với giá cả phải chăng", đồng thời nhất trí tăng cường chuẩn bị cho việc Nga cắt giảm thêm nguồn cung khí đốt.

Bà URSULA VON DER LEYEN, Chủ tịch Uy ban Châu Âu: “Chúng ta sẽ không còn quay trở lại thời kỳ sử dụng nhiên liệu hóa thạch rẻ như trước đây. Do đó, cùng với các biện pháp hỗ trợ tạm thời và có trọng điểm để giúp các gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương, chúng ta cần tăng cường các biện pháp để hỗ trợ nền kinh tế và xã hội để thích ứng với điều kiện mới."

Để thực hiện mục tiêu này, các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu cho biết, sẽ có sự điều chỉnh về chính sách kinh tế nhằm giảm áp lực đối với lạm phát do giá cả tăng cao và nguy cơ Châu Âu bước vào mùa đông lạnh giá tới.

Ông CHARLES MICHEL, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu: “Lạm phát là mối quan tâm lớn đối với chúng ta vào lúc này. Cuộc xung đột Nga – Ukraine đang đẩy giá năng lượng, thực phẩm và hàng hóa leo thang, tác động trực tiếp cuộc sống của người dân và doanh nghiệp. Chúng ta cần đoàn kết và nhất trí phối hợp với nhau thông qua các chính sách kinh tế.”

Để bù đắp nguồn năng lượng trước đây nhập khẩu từ Nga, các nhà lãnh đạo nhất trí sẽ tìm nguồn cung thay thế, với giá cả phải chăng. Đây được xem là một trong ba ưu tiên được liệt kê trong kế hoạch của Ủy ban Châu Âu có tên “Tiếp sức cho EU” nhằm loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga. Dự kiến các đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra thảo thuận tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 10 tới.

Bà URSULA VON DER LEYEN, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu: "Thông qua kế hoạch Repower EU, chúng tôi đang cung cấp nguồn ngân sách trị giá khoảng 300 tỷ euro để thực hiện ba việc: một là để đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, thứ hai là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và thứ ba là cung cấp năng lượng tái tạo xanh cho chính chúng ta.”

Trước khi xảy ra xung đột ở Ukraine, EU phụ thuộc vào Nga tới 40% nhu cầu khí đốt. Việc cắt giảm nguồn cung từ Nga để lại một khoảng trống lớn khó để lấp đầy khi thị trường khí đốt toàn cầu vốn đã chật hẹp. 

BRICS THÚC ĐẨY KỶ NGUYÊN PHÁT TRIỂN TOÀN CẦU MỚI

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến nhóm các nước mới nổi hàng đầu thế giới BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) lần thứ 14 với chủ đề "Xây dựng quan hệ đối tác chất lượng cao giữa các nước BRICS, tạo ra kỷ nguyên phát triển toàn cầu mới” đã kết thúc tốt đẹp. Hội nghị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập một nền kinh tế thế giới lành mạnh và phát triển bền vững, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Với hơn 3 tỷ dân, chiếm 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, BRICS đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong sự phát triển chung của thế giới. Ý tưởng bao trùm hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 đã được phản ánh qua tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi ông kêu gọi các nước BRICS mang lại sức mạnh tích cực, ổn định và xây dựng cho thế giới trong bối cảnh tình hình phức tạp và khó khăn như hiện nay. 

Ông WANG SHOUWEN, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc: “Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 đã được tổ chức thành công tại Trung Quốc. Năm quốc gia BRICS cũng đã ký Tuyên bố Bắc Kinh và thông qua nhiều văn kiện về thương mại và kinh tế, bao gồm cả về kinh tế kỹ thuật số, phát triển bền vững xanh, hợp tác chuỗi cung ứng và hỗ trợ cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới.”

“Tuyên bố Bắc Kinh” kết thúc hội nghị cho thấy rõ những quan điểm “vị phát triển” và cân bằng của BRICS. Tuyên bố kêu gọi các nước phát triển hàng đầu phát triển kinh tế một cách có trách nhiệm, không chính trị hóa, "để tránh những hậu quả nghiêm trọng cho các nước đang phát triển”, đồng thời nhấn mạnh vai trò của chế đa phương.

Ông WANG SHOUWEN, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc: “Hệ thống thương mại đa phương dựa trên các quy tắc cùng với cốt lõi của WTO là nền tảng của toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tự do. Gần 98% thương mại toàn cầu nằm trong số 164 thành viên của WTO. Các bộ trưởng thương mại BRICS đã nhất trí tham gia tích cực vào cải cách WTO. Sự đồng thuận đã giúp cuộc họp lần thứ 12 của WTO đạt được các thỏa thuận về tất cả các vấn đề quan trọng. Thành công của cuộc họp WTO đánh dấu một thắng lợi sống còn của các tổ chức đa phương.” 

Theo giới phân tích, qua hội nghị thượng đỉnh này, BRICS đang tìm cách hình thành “sức mạnh tổng hợp” bằng cách xây dựng quan hệ đối tác chất lượng cao nhằm đóng góp đáng kể hơn vào việc kích thích tăng trưởng kinh tế toàn cầu và mở ra một trang mới trong lịch sử nền kinh tế toàn cầu.

KHỦNG HOẢNG LƯƠNG THỰC ĐE DỌA TOÀN CẦU 

Nguy cơ xảy ra nhiều nạn đói trong năm 2022 đang thực sự hiện hữu. Đây là cảnh báo vừa được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra, đồng thời kêu gọi thế giới hành động để ổn định thị trường lương thực và giảm biến động giá hàng hóa.

Theo Tổng Thư ký Guterres, thế giới đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có, nhiều nạn đói có thể sẽ xảy ra trong năm nay và năm sau. Ông nhấn mạnh việc xảy ra một nạn đói lớn trong thế kỷ 21 là điều không thể chấp nhận được.

Theo số liệu mới nhất, hơn 460.000 người ở Sô-ma-li, Yemen và Nam Sudan đang rơi vào tình cảnh đói kém, trong khi hàng triệu người ở 34 quốc gia khác đang trên bờ vực của nạn đói. Ông Guterres cho rằng cuộc xung đột ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm các vấn đề tồn tại trong những năm gần đây như biến đổi khí hậu, sự phục hồi không đồng đều giữa các quốc gia. Theo ông, sẽ không thể có giải pháp hiệu quả cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trừ khi Ukraine và Nga nối lại hoạt động thương mại.

ĐẨY NHANH CÔNG TÁC CỨU TRỢ SAU ĐỘNG ĐẤT TẠI AFGHANISTAN

Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả động đất tại Afghanistan. Hiện các cơ quan của Liên hợp quốc đang gấp rút gửi hàng tấn hàng cứu trợ tới các khu vực bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, công tác cứu trợ hiện gặp nhiều khó khăn, những người sống sót vẫn đang phải vật lộn để tìm nơi trú ẩn và thức ăn sau thảm họa động đất kinh hoàng.

Là người may mắn duy nhất trong gia đình, sống sót sau thảm họa động đất kinh hoàng, nhưng ông Bakhta Jan lại đang phải đối mặt với tình cảnh màn trời chiếu đất, khi ngôi nhà của ông đã phá hủy hoàn toàn, và ông vẫn chưa tìm được nơi trú ẩn tạm thời.

Ông BAKHTA JAN, Người dân sống sót sau thảm họa:Bốn thành viên trong gia đình tôi đã thiệt mạng, cùng hai người khác bị thương. Chúng tôi không còn thức ăn, cũng chẳng còn chỗ ở. Đây là nhà của tôi, tổng cộng 9 phòng, tất cả đều đã bị phá hủy.”

Theo Bộ Y tế Afghanistan, gần 90% ngôi nhà ở làng Gyan, thuộc tỉnh Paktika, đã bị tàn phá hoàn toàn sau trận động đất. Những ngôi nhà còn sót lại cũng không còn đủ nguyên vẹn để có thể sinh sống.

Ông MAWLAWI SHARAF-U-DIN MUSLIM, Thứ trưởng Bộ Phòng chống thiên tai: “Thủ tướng đã phát lệnh họp khẩn, triệu tập tất cả các Bộ ban ngành cùng các tổ chức viện trợ, sử dụng mọi phương tiện và biện pháp có thể để thực hiện công tác tiếp tế và cứu nạn sớm nhất có thể.”

Theo Liên Hợp Quốc, trận động đất khiến ít nhất 1.036 người thiệt mạng, khoảng 2.000 người bị thương và 10.000 ngôi nhà bị phá hủy. Hiện các cơ quan của Liên Hợp Quốc đang gấp rút gửi hàng tấn nhu yếu phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế cùng đội ngũ nhân viên đến tỉnh Paktika nhằm hỗ trợ các nạn nhân còn sống sót trong thảm họa kinh hoàng này.  

THỬ NGHIỆM ROBOT TRÊN SƯỜN NÚI LỬA

Để sẵn sàng cho nhiệm vụ nghiên cứu cấu trúc lớp bề mặt của Mặt Trăng, các nhà khoa học mới đây đã tiến hành chạy thử nghiệm các robot ở các môi trường khắc nghiệt, trong đó có bề mặt núi lửa Etna - ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất châu Âu.

Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR) đã bắt đầu cho chạy thử nghiệm các robot điều khiển từ xa, nhằm mô phỏng những tình huống mà các phi hành gia sẽ phải đối mặt khi thám hiểm Mặt Trăng hoặc Sao Hỏa trong tương lai.

Ông MAXIMILAIN DURNER, Trợ lý khoa học về robot và cơ khí của Aerospace: "Nhiệm vụ của chúng tôi là điều khiển các robot để thu thập, phân loại và vận chuyển những hộp mẫu vật cũng như các dữ liệu hữu ích về địa chấn, đồng thời dò tìm tàu đổ bộ.”

Mặt trăng và núi lửa Etna có bề mặt và điều kiện tương tự nhau. Do đó, các nhà khoa học đã chọn thử nghiệm robot trên sườn núi lửa Etna vì nó đáp ứng các yêu cầu địa chất của các nhiệm vụ thực tế trên Mặt trăng.

Ông BERNHARD VODERMAYER, Nhà phát triển hệ thống của Aerospace: "Chúng tôi chọn núi Etna vì đây là nơi có rất nhiều đặc điểm chung so với Mặt Trăng và Sao Hỏa. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã quen với địa điểm này từ các dự án trước đây.”

Thử nghiệm này là một phần của Dự án ARCHES, do Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức (DLR) phối hợp với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) thực hiện. Dự án tập trung vào việc giám sát môi trường biển, khám phá Hệ Mặt trời và những nơi còn quá nguy hiểm để con người có thể đặt chân tới.

Đinh Giang