Đồng bào Khmer Nam Bộ đón Tết đảm bảo an toàn phòng dịch

Đồng bào Khmer Nam Bộ đón Tết Chol Chnam Thmay cổ truyền 2022 từ ngày hôm nay 14/04 đến ngày 16/04.

Tại Bạc Liêu, các vị sư sãi cùng ngưới dân ở các phum, sóc đang chuẩn bị đón tết với tinh thần chủ động phòng chống dịch Covid - 19, bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản mình và cộng đồng

Những ngày này, các gia đình người Khmer của tỉnh Bạc Liêu đang tất bật sửa soạn nhà cửa, lau dọn bàn thờ gia tiên, bàn thờ Phật để đón Tết cổ truyền của dân tộc. Bà con cũng tranh thủ đến chùa để góp sức sửa sang, sơn phết lại các tháp của gia đình, dòng họ. Với đồng bào Khmer, các hoạt động vui chơi, nghi lễ tôn giáo trong những ngày Tết hầu hết đều diễn ra tại chùa. Năm nay do tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên các chùa chủ yếu thực hiện nghi thức Lễ là chính còn phần Hội được lược bỏ một số để đảm bảo sức khỏe cộng đồng, hạn chế dịch bệnh lây lan.

Ông CHÂU PHÁT, chùa Giá Rai Mới,  thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ: “Do tình hình dịch bệnh Covid -19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên chúng tôi thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh của Chính phủ và của tỉnh. Chúng tôi đã tuyên truyền và kêu gọi phật tử đến chùa phải thực hiện nghiêm thông điệp 5k của Bộ Y tế”. 

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer tại Bạc Liêu cũng đã được nâng lên rất nhiều. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, các chùa  Khmer đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phật tử hạn chế việc tập trung đông người.

Đại đức LÝ QUANG LONG,  Trụ trì chùa Soryaram, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu chia sẻ: “Để an toàn cho cộng đồng thì nhà chùa có trang bị máy đo thân nhiệt, xung quanh chùa chỗ nào cũng bố trí nước rửa tay duyệt khuẩn. Việc vui chơi, tổ chức Chol Chnam Thmay Chính phủ không nghiêm cấm, nhưng ta không nên lơ là quên việc thực hiện thông điệp của Bộ Y tế để phòng dịch”.

Trong hai năm qua, đồng bào Khmer tỉnh Bạc Liêu đã trải qua nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19. Nhưng tỉnh Bạc Liêu cũng đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ, bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, nhờ đó đã củng cố niềm tin của đồng bào đối với công tác phòng chống dịch và khôi phục sản xuất.