Dự án đường Hồ Chí Minh: Chậm tiến độ 2 năm vẫn chưa hoàn thành

Chiều 10/03, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết 66 /2013/QH13 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh và kế hoạch triển khai dự án giai đoạn tiếp theo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Theo tờ trình của Chính Phủ, dự án đường Hồ Chí Minh được khởi công xây dựng năm 2000. Theo Nghị Quyết số 66 của Quốc hội,  đến năm 2020, hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) quy mô tối thiểu 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744 km. Đến nay, sau 18 năm thực hiện đã hoàn thành 2.362 km/2.744 km đạt 86,1% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 211 km; còn lại khoảng 171 km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện. 

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng dự án, đảm bảo tiến độ nối thông toàn tuyến theo đúng Nghị quyết số 66 của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Quốc hội ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để thực hiện nối thông 2 làn xe; trong giai đoạn 2021-2025 ưu tiên đầu tư trước 02 dự án Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận; đề nghị cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025  để đầu tư 02 dự án này. Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ triển khai cụ thể các dự án trong giai đoạn sau năm 2020 tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, Dự án được duyệt quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, hệ thống đường ngang, trạm dừng nghỉ tuyến chính và tích hợp quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030 tuy nhiên cần rà soát tổng thể, toàn diện để điều chỉnh bổ sung, xem xét tích hợp tổng thể vào các quy hoạch vùng, các quy hoạch khác có liên quan. Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, di dân, vẫn còn hiện tượng cá biệt một số địa phương bàn giao chậm, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, vấn đề này cần phải có đánh giá chi tiết, cụ thể. Một số dự án BOT, BT chưa được quản lý phù hợp, không khả thi về phương án tài chính, khó khăn huy động vốn; Một số dự án phải dừng, giãn, điều chỉnh đã làm kéo dài thời gian hoàn thành.

Ủy ban y ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025.

Đề xuất dùng vốn dự phòng để đảm bảo thông tuyến đường Hồ Chí Minh

Thảo luận về nội dung này, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc không hoàn thành Nghị quyết của Quốc hội đúng thời hạn; yêu cầu đối với các đoạn tuyến còn lại cần rà soát, tránh đầu tư trùng lặp, làm rõ nguồn vốn, hình thức đầu tư cũng như tiến độ hoàn thành.  

Các ý kiến khẳng định ý nghĩa chính trị, tầm quan trọng của dự án đường Hồ Chí Minh đối với việc phát triển kinh tế, xã hội, xoá đói, giảm nghèo. Tuy nhiên sau 18 năm triển khai, tình hình đã có nhiều thay đổi, vì vậy đối với các đoạn tuyến còn lại, cần rà soát làm rõ hơn theo cả 2 phương án là: chỉ thực hiện tiếp các đoạn tuyến đang dở dang và kết thúc dự án, hoặc Tổng kết việc thực hiện dự án đến thời điểm này, lập lại hồ sơ, trình Quốc hội điều chỉnh Nghị quyết 66 để tiếp tục thực hiện dự án.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật: “Giai đoạn tiếp theo Chính phủ cần có báo cáo đề xuất đầu tư cho những đoạn tuyến tiếp theo, vốn ra sao, hình thức thế nào, tiến độ thế nào để Quốc hội giám sát, những đoạn tuyến còn lại đầu tư bằng cách nào? Tôi chưa hình dung được? Vốn ở đâu phải cân đối? Đề nghị báo cáo rõ hơn”

Ông LÊ TẤN TỚI, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh:Chúng ta tiếp tục thực hiện nghị quyết 66 cách đây 18 năm thì cần rà soát lại, cái nào trùng điều chỉnh, cái nào cần thực hiện cho xong, những con đường đã làm cách đây mười mấy năm, nhiều đoạn đường đã xuống cấp ghê gớm thì nếu chúng ta thực hiện tiếp nghi quyết này thì cần trùng tu, tôi đề nghị phải có nguồn vốn, đề nghị chính phủ khi khảo sát phải tuỳ theo điều kiện thực tế

Việc chậm tiến độ dự án đường Hồ Chí Minh trên thực tế nguyên nhân chính vẫn là do không bố trí được nguồn vốn đầu tư, do đó, các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có những nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để triển khai dự án đảm bảo đúng yêu cầu.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:Đoạn tuyến khu vực tây nguyên hoàn thành trong năm rưới, vượt thời gian năm rưỡi, chủ yếu là nguồn vốn bot nên mới nhanh vậy, còn nếu nguồn lực đầu tư công thì rất chật vật, loay hoay, đánh giá nghiên cứu thêm, nguồn lực chúng ta có hạn, việc đầu tư ppp là giải pháp chúng ta có thể xem xét”

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách: “Để đảm bảo cho tiết kiệm, nhanh nên có khảo sát lại, giống như tổng kết lại, một số tuyến trùng thì đấu nối lại khỏi phải xây dựng mới, các tuyến sau khi rà không có trùng thì tập trung vốn đầu tư. Báo cáo của chính phủ lấy dự phòng, quan điểm tôi là lấy dự phòng càng ít càng tốt, cái dự phòng xây dựng cơ bản từng năm vẫn còn, thống nhất với đề xuất chính phủ, xem lại đầu tư công trung hạn, vốn dự phòng để chúng ta thực hiện. Có những nhà đầu tư bảo tuyển này muốn đầu tư bot nhưng lại làm đầu tư công, có những tuyến, nhiều đơn vị muốn đầu tư, nhiều tuyến người ta không thu hồi được vốn thì mình lại kêu thu hút bot thì không được”.

Khẳng định quyết tâm tiếp tục đầu tư hoàn thành Dự án Đường Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông, vận tải Nguyễn Văn Thể cũng cho biết thêm, việc huy động thu hút tư nhân tham gia đầu tư là rất khó, đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư 3 dự án, trước mắt ưu tiên 2 dự án Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn và đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận.

Ông NGUYỄN VĂN THỂ, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Vận tải: “Mong muốn của Bộ nếu như đợt này Quốc hội giám sát, thảo luận ban hành nghị quyết giao Chính phủ sử dụng ngay 10% dự phòng đến năm 2025 phải xong thì tốt mấy đoạn này không thể bot vì trong nghị quyết 66 đã ghi. Hiện nay Bộ đang rà soát 304 ngàn tỷ thực chất chỉ có 32 nghìn tỷ này đang toàn là dự án cấp bách bức xúc, cân đong đo đếm là ko thể nào được, đề nghị ban hành nghị quyết riêng để tập trung chỉ đạo.đây là những tuyến mới, không làm thì không thông được đường Hồ Chí Minh”

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra, ý kiến của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đề nghị rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án không đáp ứng yêu cầu tiến độ theo Nghị quyết; xem xét tổng thể nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm của Trung ương, địa phương để có đánh giá tổng thể. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình xin ý kiến Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch triển khai Dự án Đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5 tới./.

Diệu Huyền