Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Hợp đồng điện tử phải "thực tế" như hợp đồng giấy

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong những năm gần đây, việc thực hiện các giao kết, hợp đồng điện tử trở nên rất phổ biến với nhiều hình thức, cách thể hiện khác nhau. Tuy nhiên, việc áp dụng hợp đồng điện tử vẫn còn gặp nhiều hạn chế trong xác định giá trị pháp lý, phạm vi trách nhiệm khi xảy ra tranh chấp giữa các bên.

Vậy phải quy định như thế nào đối với giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử để đảm bảo chặt chẽ, khả thi? Đây là một trong những vấn đề được các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quan tâm khi cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vào sáng 19/09.

 Các ý kiến nhấn mạnh, đảm bảo tính thống nhất giữa chế định về hợp đồng trong Bộ luật Dân sự và chế định về giao kết thực hiện hợp đồng điện tử trong dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là một nội dung hết sức quan trọng. Với những quy định hiện tại trong dự thảo luật thì chưa đủ khuôn khổ pháp lý để đảm bảo có thể thực hiện những giao dịch điện tử này một cách an toàn, thuận lợi và chặt chẽ.

Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp: “Chế định hợp đồng điện tử có liên quan đến chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự. Chúng tôi đề nghị thể hiện rõ những gì trong hợp đồng điện tử chưa thống nhất với chế định hợp đồng trong Bộ luật Dân sự. Chúng tôi cũng đồng ý với ý kiến của Ủy ban thẩm tra đề nghị cân nhắc làm rõ; thứ nhất là các giai đoạn giao kết hợp đồng điện tử; thứ hai là điều kiện để hợp đồng điện tử có hiệu lực; thứ ba là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng điện tử; thứ tư là các trường hợp đồng điện tử vô hiệu.”

Phân tích cụ thể về vấn đề này, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ, dự thảo luật chỉ đặt ra quy định về người khởi tạo thông tin, dữ liệu, thời điểm, địa điểm gửi, nhận thông tin dữ liệu, những vấn đề liên quan đến yếu tố kỹ thuật của việc trao đổi trong giao dịch điện tử mà chưa có các quy định về thay đổi, rút lại hoặc hủy bỏ đề nghị giao kết hợp đồng điện tử, về thời điểm giao kết hợp đồng điện tử… Trong khi đây là những chế định hết sức quan trọng của một hợp đồng đã được quy định trong Bộ luật Dân sự. Do đó việc chuyển sang hình thức số cũng phải đảm bảo đầy đủ các công đoạn của một hợp đồng như đối với hợp đồng giấy.

Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật: “Tôi nói ví dụ người ta đã ký kết nhưng người ta muốn thay đổi hoặc người ta muốn hủy bỏ hợp đồng đó thì hợp đồng điện tử này, các quy định liên quan cũng phải đảm bảo đầy đủ, toàn diện các công đoạn như vậy. Bởi vì, hiện nay hợp đồng bằng bản giấy là đầy đủ các thứ như thế và phải như thế thì nó mới đảm bảo an toàn, thuận lợi và người ta mới sử dụng. Còn nếu ký kết hợp đồng điện tử nhưng người ta không thể hủy được, không thể thay đổi được như hợp đồng giấy thì người ta sẽ không sử dụng, vì nó không thực tế. Cho nên, chỗ này đề nghị cơ quan soạn thảo cũng rà soát thêm”

Không chỉ riêng đối với quy định về giao kết thực hiện hợp đồng điện tử, mà với cả các quy định khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đề nghị ban soạn thảo cần phải tiếp tục rà soát, thống kê, phân tích, đánh giá rõ các luật liên quan để đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật. Giữ vững nguyên tắc không thay đổi nội dung các luật đã có, không được dùng luật này để sửa đổi, bổ sung về các nội hàm mà những luật nội dung khác đã quy định.

Thay mặt cho cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định sẽ tiếp sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ thực tiễn giao dịch điện tử ở Việt Nam 17 năm qua, lựa chọn các nội dung đã có thực tiễn tốt để luật hóa chính thức trong luật này.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: “Nguyên tắc thực sao thì số vậy, mà số phải phong phú hơn thực là một nguyên tắc quan trọng khác nữa, trong đời thực thì có các loại giao dịch gì với các độ tin cậy khác nhau, với chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định cũng sẽ được ánh xạ vào các giao dịch điện tử và luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng, đảm bảo chi phí thấp hơn trong môi trường thực và làm phong phú hơn các loại giao dịch trên môi trường số, tránh việc môi trường số phức tạp lại đắt hơn, đồng thời phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng. Luật cũng quy định là ngay cả khi giao dịch điện tử đã sẵn sàng thì người dân vẫn có quyền lựa chọn hoặc là offline hoặc là online.”

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tán thành Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cơ bản đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tháng 10/2022.

Dương Dung