Giám sát phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Tiếp tục phiên họp thứ 25, sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với một số nội dung của dự thảo Kế hoạch giám sát và Đề cương báo cáo của Đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Trưởng đoàn giám sát điều hành nội dung này.

Các ý kiến nhận định, đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, trong khi đây là lĩnh vực lần đầu tiên được giám sát. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, số lượng rất lớn, việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập do nhiều luật chi phối, hiện nay lại chưa có một đạo luật nào riêng trong lĩnh vực này. Theo sơ bộ đánh giá, các đơn vị sự nghiệp công lập thì 60-70% trong lĩnh vực giáo dục, 15% trong lĩnh vực y tế. Vì vậy, một số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần phải xác định rõ trọng tâm để đánh giá kỹ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với cách tiếp cận trong dự thảo kế hoạch, đề cương báo cáo giám sát. Nhấn mạnh yêu cầu vừa phải bảo đảm tính bao quát 6 nội dung được đề cập trong Nghị quyết 19 của Trung ương, vừa có tính trọng tâm, trọng điểm, đi sâu vào những vấn đề bức xúc nổi lên, được dư luận quan tâm; lưu ý sắp xếp gắn với nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý, quản trị; tự chủ nói chung của các đơn vị sự nghiệp công lập; xã hội hoá các dịch vụ công lập.

Đồng thời qua giám sát gắn với công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật; tránh 2 khuynh hướng. Khuynh hướng thứ nhất là cứ vướng thì đổ cho luật trong khi vướng ở thông tư, nghị định. Khuynh hướng hai là cho rằng luật tốt rồi không cần phải sửa đổi.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Dương Dung -

Cao Hoàng -

Quang Sỹ