Giáo viên gặp khó trong việc dạy tích hợp

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh THCS không còn học các môn Sinh học, Vật lý, Hóa học, Lịch sử, Địa lý mà học hai môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Hai môn này được gọi là môn tích hợp, liên môn. Năm nay là năm thứ 3 triển khai dạy học theo chương trình mới nhưng bên cạnh hiệu quả, sáng tạo thì vẫn còn khó khăn trong quá trình triển khai dạy học tích hợp.

Ngay khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, cô Ngô Thị Ngọc đảm nhiệm dạy môn khoa học tự nhiên, môn tích hợp của Trường THCS Chu Văn An, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Dù đã có 23 năm đứng trên bục giảng, nhưng đối với cô Ngọc, đây vẫn là một năm học có nhiều thách thức.

Vừa dạy vừa “mò” là tình trạng chung của nhiều giáo viên dạy tích hợp hiện nay. Dù chật vật ngồi nghiên cứu thêm tài liệu sau mỗi giờ lên lớp, cố gắng lấp đầy thêm kiến thức mỗi ngày nhưng cô Ngọc cũng như nhiều đồng nghiệp khác vẫn không khỏi lo lắng, băn khoăn trước mỗi giờ lên lớp.

Tích cực trao đổi kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy với các thầy cô khác trong tổ bộ môn, thậm chí là với cả các trường khác, có lẽ đang là giải pháp tình thế hữu hiệu nhất mà các thầy cô có thể làm trong thời điểm này.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đang tích cực triển khai các chương trình trợ giúp giáo viên. Trong đó, vừa tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hiện có để dạy tích hợp vừa đào tạo mới giáo viên dạy tích hợp.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Phan Hằng -

Việt Hà