Góc nhìn hôm nay: Hoàn thiện hạ tầng phòng cháy chữa cháy - Yêu cầu cấp thiết

Trong bối cảnh công tác PCCC nói chung, hạ tầng PCCC nói riêng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của tình hình phát triển kinh tế - xã hội; thì việc nghiên cứu lập Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy là rất cấp thiết.

Qua nhiều vụ cháy xảy ra, đặc biệt là ở những khu đô thị hay ở cả những khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố lớn và qua quá trình quản lý, kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng cho thấy vấn đề PCCC vẫn tồn tại nhiều khó khăn. Ngay như ở thành phố Hà Nội, với vị trí là trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học giáo dục, vừa có lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhưng vẫn trăn trở về lối thoát trong Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Có thể nói, hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác PCCC còn bất cập, các quy chuẩn, tiêu chuẩn hầu như chưa được áp dụng thực hiện trong quy hoạch đô thị. Thực trạng đáng lo ngại nêu trên cho thấy các đô thị lớn cần thực hiện nhiều giải pháp phòng ngừa để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy và PCCC có hiệu quả. Trong đó, có việc rà soát lại hệ thống giao thông trong đô thị đảm bảo các xe cứu hỏa đến được từng gia đình, từng tầng cao nhất của công trình.

Rõ ràng, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nói chung và hạ tầng PCCC nói riêng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế - xã hội…, việc quy hoạch hạ tầng PCCC đồng bộ, hiện đại, phù hợp là đòi hỏi cấp thiết lúc này. Mới đây,

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 819 ngày 07/07/2023. Trong đó xác định các đối tượng quy hoạch gồm: mạng lưới trụ sở, doanh trại, công trình phục vụ PCCC; hệ thống cung cấp nước phục vụ PCCC; hệ thống giao thông phục vụ PCCC; hệ thống thông tin liên lạc phục vụ PCCC

Với cách tiếp cận tổng thể và tích hợp đa ngành để có thể giải quyết một cách cơ bản và toàn diện các vấn đề thách thức hiện nay cũng như định hướng chiến lược cho sự phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy cho giai đoạn trung hạn (5 năm) và dài hạn (10 năm), cũng như tầm nhìn lâu dài (sau 20 năm) au khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là căn cứ để Bộ Công an, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các địa phương triển khai thực hiện góp phần quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Đồng thời, việc triển khai có hiệu quả Quy hoạch cũng góp phần xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Mời quý vị theo dõi thông tin chi tiết! 

Thu Quỳnh