Hà Nội: Cây mục gãy và nguy cơ mất an toàn giao thông

Mùa mưa bão đang đến gần, ẩn họa gãy đổ từ hệ thống cây xanh trên đường khi người dân tham gia giao thông đi lại luôn thường trực. Thời gian qua, thành phố đã thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.

Đây là hình ảnh còn lại của cây cổ thụ trên tuyến đường vành đai 2 – Võ Chí Công được ghi nhận. Mới đây, một nhánh lớn của cây cổ thụ này đã bị gãy đổ, chắn ngang đường gây ùn tắc giao thông vào đầu giờ sáng ngày 13/6.

Phóng viên Kim Yến: Tại Hà Nội, nhiều cây lớn lâu năm đã bị chặt hạ, nhường chỗ cho những công trình cấp thiết. Nhưng cũng có những cây cổ thụ đứng đơn lẻ vẫn yên vị, cho dù ở giữa đường như Cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở cổng làng Nghè xưa, nay là địa bàn phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là đâu là giải pháp đảm bảo chăm sóc tốt cho cây cũng như an toàn cho người đi đường qua khu vực này?

Năm 2012, khi làm đường, cổng làng Nghè, thôn Trung Nha xưa đã bị phá bỏ, thay vào đó một chiếc cổng nhỏ hơn được xây cạnh cây đa để lưu giữ nét xưa. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn khi làm đường bê tông, trải nhựa mặt đường, cây lấy đâu ra thức ăn, dẫn tới yếu mục, mất an toàn. Thêm vào đó là thói quen tự phát của người dân, ảnh hưởng tới an ninh trật tự, an toàn giao thông và việc sinh trưởng của cây.

Ông NGUYỄN BA LAN, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội: “Họ muốn cầu tài, cầu lộc, nên họ tự ý đặt ban thờ ở kia, không đảm bảo an toàn giao thông bởi mỗi lần đi qua đi lại sang bên đó là rất nguy hiểm . Tôi đề nghị Nhà nước làm rào chắn để không ai có thể vào được nữa. Con người thì phải có cái ăn. Cây phải có nước để sống. Cây không có nước, già rồi, thì rõ ràng sớm muộn cũng phải gãy”.

Còn đây là đoạn đường Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê thuộc địa bàn quận Tây Hồ, cũng không khó để thấy hàng quán xung quanh những gốc đề như thế này. Điều này liên quan trực tiếp tới vấn đề sinh trưởng của cây và an toàn giao thông.

Ông LẠI PHÚ TRƯỜNG, Quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội: “Cây che khuất mặt đường thì cũng nên tỉa bớt đi để đảm bảo an toàn giao thông”.

TS.KTS NGUYỄN NGỌC ANH, Đại học Kiến trúc Hà Nội: “Ở những khu phố, người dân vì mục đích kinh doanh của mình mà có hành vi làm tổn hại cây xanh. Do hạ tầng đôi khi không đồng bộ nên ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của rễ cây, gây ra sự mất cân bằng giữa rễ cây và tán cây. Cần kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật, chỉ định những ranh giới, khoảng lùi của công trình một cách hợp lý để đảm bảo tốt cho không gian sinh trưởng của cây xanh”.

Thành phố đang bước vào mùa mưa bão nên nguy cơ cây xanh gãy, đổ xuống đường và nhà dân rất cao. Ngoài ra, tình trạng đô thị hóa, bê-tông hóa vỉa hè, xây dựng công trình ngầm đã xâm hại cây xanh cũng như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Cùng với đó, theo chuyên gia, công tác đánh giá hiện trạng cây xanh bị mục rễ, sâu đục thân để xử lý hiện rất khó khăn chủ yếu thực hiện bằng kinh nghiệm, chưa trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại cho công tác chăm sóc, duy tu, bảo dưỡng cây. Cây già cỗi, mục gãy là lẽ thường, hôm nay may mắn không gây tai nạn nhưng sẽ thế nào khi sự cố lớn xảy ra? 

Khánh Hoàng