Hộ gia đình khai thác nước dưới đất phải kê khai: Nên hay không?

Sáng 5/10 tại Đà Nẵng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến góp ý cho Dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Tại hội thảo, một số vấn đề nổi bật liên quan đến đặc thù sử dụng tài nguyên nước tại địa phương được các đại biểu cho ý kiến. Theo Khoản 2, Điều 20, Dự thảo Luật giao quyền cho chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước lập nội dung phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và khắc phục tác hại do nước gây ra trong quy hoạch tỉnh căn cứ vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh. Nhưng tại một số địa phương, quy hoạch cấp tỉnh đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Do đó, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Theo quy định ở khoản 2, Điều 36 chỉ nhắc tới trao quyền cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định sử dụng các nguồn nước hiện có trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý để chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước. Nhưng thực tế, Đà Nẵng, Quảng Nam đang sử dụng chung nguồn nước từ hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn để điều tiết nước sinh hoạt cho 2 địa phương. Do đó, các đại biểu đề nghị cần có khung pháp lý quy định sự phối hợp giữa các tỉnh/thành phố sử dụng chung nguồn nước từ 1 hệ thống sông. Ngoài ra, các đại biểu cũng băn khoăn việc nên hay không nên quy định “khai thác nước dưới đất của hộ gia đình để sử dụng cho hộ gia đình phải thực hiện kê khai”.

Về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Nguyễn Thị Lệ Thuỷ cho biết, hiện có khoảng 14 triệu hộ gia đình đang khai thác nước dưới đất, chủ yếu ở vùng nông thôn, ngoại thị, vùng sâu vùng xa. Để tránh tình trạng khai thác quá đà ở một số khu vực dẫn đến tình trạng sụt lún đất, nhiều đại biểu đã có ý kiến nên đưa khu định này vào Điều 52 trên tinh thần thủ tục kê khai đơn giản, thời gian thực hiện kéo dài 2 năm kể từ khi Luật được thông qua để tạo thuận lợi cho người dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Mỹ Phượng