Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp du lịch Việt Nam

Hội thảo Du lịch Việt Nam 2021 kết thúc ngày 25/12 đã đưa ra được các nhóm giải pháp có tính khả thi cao đối với thị trường và các hoạt động du lịch đang bị đứt gãy, đình trệ. Theo các chuyên gia, nhà quản lý, quan trọng nhất là làm thế nào để có tính liên kết và đồng bộ mới có thể phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới.

Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Năm 2021, đợt dịch thứ 4 bùng phát mạnh, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020. Để khôi phục lại du lịch, việc đầu tiên phải đảm bảo 3 điều kiện là “An toàn – mở - đồng bộ”. Việc xây dựng và hình thành điểm đến an toàn cho du khách trong và ngoài nước, cùng với mở cửa hàng không, các cửa khẩu phải đồng bộ với nhau. Sự phục hồi du lịch hiện nay chủ yếu dựa vào thị trường nội địa, nên cần  phải đơn giản hóa các thủ tục liên quan, nhất là yêu cầu về công tác phòng - chống dịch như xét nghiệm, khai báo y tế, thời gian cách ly…

Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình: “Yếu tố an toàn là quan trọng nhất do đó chúng tôi đã yêu cầu các ngành các cấp phối hợp với ngành du lịch xây dựng bộ tiêu chí an toàn và hướng dẫn cho các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, cũng như phương án qui trình xử lý trong qúa trình đón khách, phục vụ và xử lý khi khi có các trường hợp lây nhiễm trong quá trình hoạt động trở laị……”

Ở nhóm chính sách về tài chính, cộng đồng doanh nghiệp đề xuất: Xem xét giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp cả năm 2021, tiếp tục giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, 2023 cho các doanh nghiệp có doanh thu trên 200 tỷ đồng. Giảm 50% mức thuế suất VAT của 3 tháng cuối năm 2021 và các năm 2022, 2023. Miễn thuế thu nhập cá nhân đối với người lao động có thu nhập từ tiền lương tiên công thuộc diện nộp thuế bậc 1 và 2. Giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp du lịch theo hướng lãi suất cho vay không cao hơn 3% so với lãi suất huy động tiền gửi...

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Viettravel: “Đối với VAT, nếu có điều kiện thì nên tiếp tục kéo dài giảm VAT 30%, Quốc hội nên có ý kiến về vấn đề này, sử dụng 30% cho năm 2022 và kể cả 2023. Trước đây chúng tôi có đề nghị lên 50% và cái này cũng đã có tiền lệ vào năm 2008, 2011, khi mà khủng hoảng kinh tế thế giới chính Quốc hội và Chính phủ đã giảm thuế VAT cho ngành du lịch và sau khi phục hồi thì quay trở lại 10% và khi đó đã tạo đợt phát triển rất mạnh từ 2011 – 2019, 8 năm phát triển rực rỡ của ngành du lịch VN khi các doanh nghiệp phục hồi. do vậy tôi đề nghị Vat Qh nên nghiên cứu kéo dài thêm chứ thời gian qua là quá ngắn”

Bà Nguyễn Thị Cúc - Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thuế: “Nên xem xét lại miễn giảm các loại thuế ví dụ thuế giá trị gia tăng có thể giảm từ 30 đến 50% đối với hoạt động du lịch. Chúng ta nên tách và giảm tiền thuế đất đối với những đất lưu không hoặc là đảm cho cây xanh như vậy du lịch sẽ có điều kiện để phù hợp hơn. Thứ 3 về thuế thu nhập doanh nghiệp…..”

Ở nhóm chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực, cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động trong ngành du lịch. Đề nghị cho phép kéo dài thời gian tạm đóng bảo hiểm hưu trí, tử tuất, lùi thời điểm đóng phí công đoàn đối với các doanh nghiệp và đối tác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà không tính lãi, phạt chậm nộp, nhưng vẫn được đóng bảo hiểm y tế để người lao động vẫn được sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.

Cùng với đó, tăng cường truyền thông khôi phục niềm tin của thị trường về du lịch nội địa an toàn, hấp dẫn. Xây dựng sản phẩm du lịch mới trước những nhu cầu thay đổi của du khách, như dòng sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch xanh, các sản phẩm nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe...; cung cấp dịch vụ du lịch thông minh, tăng cường trải nghiệm bằng việc sử dụng các công nghệ tiên tiến.

Tất cả các nhóm giải pháp này sẽ được Ban Tổ chức tổng hợp, hoàn thiện báo cáo và kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nhằm tháo gỡ sớm nhất khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển du lịch ngay từ năm 2022.