Không nên phát triển miền núi chỉ để đuổi kịp miền xuôi

Tiếp nối việc thẩm định quy hoạch các vùng, chiều 21/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng Trung du miền núi phía Bắc. Nhận định 3 điểm nghẽn của vùng là thiếu liên kết vùng, chênh lệch phát triển lớn, chất lượng nguồn nhân lực thấp...ban soạn thảo Quy hoạch dự kiến cấu trúc vùng thành 4 tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế, 3 vành đai với các định hướng phát triển riêng.

Tiểu vùng phía Tây là khu vực tăng trưởng xanh gắn với nông nghiệp bền vững, du lịch sinh thái và năng lượng sạch. Tiểu vùng Tây Bắc là vùng du lịch tầm cỡ, đầu mối giao thương kinh tế, văn hóa với các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc. Tiểu vùng Đông Bắc có trung tâm công nghiệp, giáo dục và y tế của vùng, phát triển du lịch về nguồn. Tiểu vùng phía Đông có trung tâm công nghiệp của vùng, kết nối giao thương kinh tế, vắn hóa với các tỉnh phía Nam Trung Quốc. Để thực hiện các chỉ tiêu phát triển, quy hoạch đặt ra các giải pháp như tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối giao thông, liên kết du lịch,…

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định quy hoạch này chưa có điểm nhấn, chưa phát huy được đặc trưng của vùng.

Một số chuyên gia, địa phương cũng bày tỏ chưa đồng tình với việc phân chia 4 tiểu vùng như dự thảo quy hoạch, bởi chưa phù hợp về điều kiện tự nhiên của vùng.

Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý của các địa phương, bộ ngành và chuyên gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị ban soạn thảo tiếp thu. Quan điểm xây dựng cần tư duy theo hướng phát triển vùng một cách bền vững, không làm tổn hại tới các yếu tố văn hóa, lịch sử, cảnh quan, môi trường. 

Đỗ Minh -

Như Huỳnh